GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG


Chi phí sản xuất tăng, nông dân tìm cách xoay xở

Thứ hai - 21/02/2022 16:44

Bước vào đầu vụ đông xuân 2021 – 2022, giá phân bón, xăng dầu, nhân công đều tăng cao, khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo. Điều này khiến bà con nông dân gặp khó khăn, buộc phải tìm cách xoay xở.

Thời điểm này, tại các địa phương trong tỉnh, người dân đang tập trung chăm sóc cây trồng các loại. Theo nhiều bà con, hiện nay, các khoản chi phí chăm sóc cây trồng đều tăng cao so với trước, buộc họ phải cắt giảm đầu tư.

Gia đình ông Phan Văn Quỳnh, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song), trước đây có trên 1 ha hồ tiêu. Thời gian qua, vườn tiêu bị nhiễm bệnh và chết, nên ông chỉ còn khoảng 5 sào.

Theo ông Quỳnh, mọi năm giá thuê nhân công hái tiêu là 180.000 đồng/ngày (không bao ăn), nhưng năm nay tăng lên 250.000 đồng/ngày. Còn giá thuê người hái khoán bình quân từ 4.000 – 6.000 đồng/kg, cao hơn các năm khá nhiều.

Nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân (Đắk Song) luân phiên đổi công hái tiêu vì giá thuê nhân công tăng cao

Bà Lê Thị Hoài, ở xã Trường Xuân cho hay, với diện tích 1 ha tiêu, năng suất đạt 4 tấn, bà dự kiến phải chi khoảng 24 triệu đồng/ha tiền thuê nhân công thu hoạch. Mức chi phí này cao hơn khoảng 6 triệu đồng/ha so với những năm trước. “Trước tình hình mọi chi phí sản xuất đều tăng cao như vậy, chỉ còn cách là người dân phải tự nỗ lực vượt khó, tím cách xoay xở để giảm chi phí, nhưng làm sao vẫn bảo đảm thu nhập cho gia đình”, bà Hoài cho biết.

Theo ông Lê Đình Hùng, ở thôn 10, xã Trường Xuân, với giá tiêu như hiện nay, chi phí nhân công ở khoảng 14 – 15 triệu đồng/ha là hợp lý. Vì bà con còn chi trả các khoản phân bón, thuốc phòng bệnh, chăm sóc cây trồng… Cũng theo ông Hùng, để đối phó với chi phí nhân công tăng cao, người dân đã liên kết luân phiên đổi công với nhau để giảm chi phí cho mỗi gia đình.

Trong khi người trồng hồ tiêu gồng mình trả tiền thuê nhân công thì người trồng cà phê cũng khó khăn vì giá phân bón, xăng dầu tăng cao. Hiện nay, các vườn cà phê đang trong giai đoạn phục hồi sau thu hoạch. Nông dân phải sử dụng một lượng phân bón, thuốc phòng bệnh, xăng dầu (phục vụ tưới nước) để chăm sóc vườn cây.

Để giúp vườn cà phê nở hoa, bước vào mùa vụ mới, người dân phải đầu tư các khoản chi phí khá cao để vườn cây mang lại hiệu quả

Ông Lý Văn Hoàng, ở xã Đắk D’rông (Cư Jút) chia sẻ: “Giờ đang bước vào cao điểm mùa khô, cây trồng cần tưới nước nhiều. Mỗi đợt tưới tôi cho máy chạy hết 3 – 4 ngày mới xong. Năm nay giá dầu tăng đến 21.000 đồng/lít, nên chi phí cũng tăng lên rất nhiều”.

Theo ông Hoàng, nhiều năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu, đất sản xuất lâu ngày, cây trồng già cỗi, dịch bệnh phát sinh… diễn ra khá phổ biến. Do đó, nông dân phải tăng cường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng. Lượng phân bón càng nhiều, chi phí sản xuất càng tăng, mức lợi nhuận của nông dân sẽ thấp.

  Hiện nay, giá phân bón tăng từ 30 – 50%; thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng từ 10 – 20%; giá nhân công tăng khoảng 25% so với đầu năm 2021. Do đó, chi phí chăm sóc cho cây cà phê, cây ăn quả chiếm từ 45 – 50%; chi phí thu hoạch chiếm từ 25 – 30%.

 

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, chi phí sản xuất đang trở thành gánh nặng của nông dân. Nhiều nông hộ đã tìm giải pháp giảm nhẹ các khoản đầu tư. Trong đó, bà con đã tập hợp nhân lực theo nhóm hộ, láng giềng để luân phiên đổi công; tận dụng vỏ cà phê, phụ phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất…

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn