GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG


Hội CCB Đắk Song hướng hoạt động về cơ sở, vì hội viên nghèo

Thứ hai - 06/01/2020 10:50

Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đắk Song đã từng bước chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, nâng cao hiệu quả các phong trào, hoạt động và chăm lo đời sống hội viên, CCB.

Giúp hội viên nghèo xóa nhà tạm bợ

Hai năm trở lại đây, thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong hội viên, CCB, bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, Hội CCB huyện đã xây dựng nghị quyết về xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho hội viên khó khăn. Ý tưởng này được hun đúc từ năm 2017, nhưng đến năm 2018 mới bắt đầu đưa vào triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Liên (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hội CCB huyện động viên gia đình ông Trương Doãn Thí cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

Theo ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch Hội CCB huyện, từ ý tưởng đến triển khai thực hiện cần phải có quá trình cụ thể, từ xin chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy cho đến lấy ý kiến của hội viên, chứ không phải nói là làm ngay được. Hơn nữa, kinh phí để làm nhà cho hội viên nghèo là hoàn toàn kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của hội viên, nên không thể vội vàng. Việc lấy ý kiến không chỉ giao cho cơ sở lấy trực tiếp thông qua các cuộc sinh hoạt mà cán bộ hội còn trực tiếp xuống các chi hội dự sinh hoạt và giải đáp thắc mắc của hội viên.

Ông Liên cho biết: Để tạo sự đồng thuận trong hội viên, ban đầu cũng gặp những khó khăn nhất định. Có những nơi, chúng tôi phải gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư và trao đổi nhiều thì mới đi đến thống nhất được. Điều đáng mừng, sau một thời gian, khi hiểu được cách làm, mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc đóng góp, hầu hết cán bộ, hội viên đều thống nhất cao.

Để  hội viên tin và làm theo, cán bộ hội cơ sở đóng góp 300.000 đồng/người/năm; cán bộ Hội CCB huyện 500.000 đồng /người/năm; Chủ tịch Hội CCB huyện 1 triệu đồng/năm; hội viên 50.000 đồng/người/năm. Điều đáng nói, khi đã thống nhất, hội viên đều đóng góp đầy đủ, kịp thời và địa phương nào có hội viên được làm nhà thì cán bộ, hội viên trong chi hội lại hỗ trợ thêm về ngày công để giảm chi phí.

Theo đó, hiện nay, Hội CCB huyện xét dựa trên tiêu chí hộ già cả, gia đình chính sách, hộ nghèo vì thiếu nhà ở có khả năng thoát nghèo ưu tiên làm trước. Các hộ khác tùy tình hình điều kiện thì làm sau. Việc bình xét được thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy trình, cơ sở lựa chọn, các cấp trên duyệt cuối cùng.

Cụ thể, năm 2018, mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/căn. Sang năm 2019, khi giá cả một số mặt hàng cao, cây trồng mất mùa, mất giá, heo bị dịch bệnh, Hội đã họp và thống nhất tăng mức hỗ trợ 40 triệu đồng/căn. Tất cả những việc này cũng đều được sự đồng ý thống nhất của hội viên, người được hỗ trợ cũng phấn khởi, bớt được một nỗi lo.

Đơn cử, gia đình ông Trương Doãn Thí ở thôn Hà Nam Ninh, xã Đắk Môl. Năm nay, hai vợ chồng ông đã ngoài 70 tuổi, đều bị bệnh, đất đai sản xuất không có, nên Hội đã thống nhất hỗ trợ ông làm nhà trước. Khi về nhà mới, hai ông bà phấn khởi, vui mừng vô cùng. Bởi ngay sau khi về nhà mới được một ngày thì cũng là lúc căn nhà gỗ cũ kỹ bị sập đổ. Ông Thí cho biết: May mắn làm sao là qua nhà mới rồi nhà cũ mới sập chứ không thì không biết sẽ thế nào. Về nhà mới chúng tôi bớt được nhiều nỗi lo, có chỗ ăn ở kiên cố, đàng hoàng, tuổi già vậy là đủ rồi!.

Khi làm nhà cho ông Thí luôn được cán bộ, hội viên đồng tình, ủng hộ, ai cũng vui mừng, không có thắc mắc hay phàn nàn gì cả. Được biết từ năm 2018 đến nay, mỗi năm,  Hội CCB huyện đều hỗ trợ làm mới và sửa chữa từ 2-3 căn nhà nghĩa tình đồng đội.

Ông Trương Doãn Thí ở thôn Hà Nam Ninh (thứ 2 từ trái qua) vừa được bàn giao căn nhà kiên cố, ấm cúng

Giao ban tại cơ sở

Với phương châm hướng về cơ sở, hiện nay, việc sinh hoạt hội cũng đã có thay đổi so với trước. Trước đây, khi giao ban đều tổ chức tập trung ở huyện thì nay Hội thực hiện giao ban luân phiên về cơ sở. Mỗi tháng, Hội CCB huyện xuống một xã để giao ban. Xã có nhiệm vụ chọn 1 chi hội cấp thôn điển hình có những mô hình hay về kinh tế, để qua sinh hoạt, cán bộ hội lắng nghe ý kiến góp ý từ cơ sở xem việc tổ chức các hoạt động được hội viên đánh giá ra sao. Bởi hội viên là người trực tiếp thực hiện các phần việc, hoạt động, nếu có chỗ nào triển khai chưa được thì có sự điểu chỉnh phù hợp.

Cũng tại các cuộc họp, Hội đều khuyến khích hội viên phát huy tinh thần dân chủ, góp ý cho cán bộ hội xem vai trò lãnh đạo như vậy đã được chưa, tính gương mẫu thế nào. Bên cạnh đó, khi có mô hình tốt, các đơn vị khác trong huyện tham quan học tập để áp dụng vào địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Điều đáng nói, khi giao ban tại xã nào thì Hội CCB xã đó phải có trách nhiệm mời cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, hội viên thuộc chi hội được chọn cùng dự để có sự giao lưu, trao đổi và giải đáp ý kiến hội viên.

Ông Liên cho biết: Trước đây, những ý kiến hội viên thắc mắc thường không đến được với mình, hoặc có đến được thì cũng chậm, nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại trong hội viên. Do đó, khi trực tiếp xuống cơ sở, chúng tôi kịp thời nắm bắt được tâm tư hội viên. Khi có vướng mắc, phát sinh, hội viên sẽ được đối thoại trực tiếp và giải quyết ngay, không để âm ỉ, kéo dài. Hiện nay, hầu hết các xã đã thực hiện giao ban luân phiên tại các chi hội.

Qua những đổi mới hoạt động của Hội CCB huyện Đắk Song đã cho thấy, ở đâu tổ chức hội phát huy dân chủ, lắng nghe, tôn trọng hội viên thì ở đó các phong trào, hoạt động được triển khai thành công.

Nguồn:http://www.baodaknong.org.vn

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn