GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Sản xuất lúa ở Krông Nô chuyển dần theo hướng hữu cơ

Thứ tư - 14/10/2020 14:39
Krông Nô là vùng trọng điểm sản xuất lúa, với sản lượng lớn. Những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đang chuyển dần sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng hiện nay.

Krông Nô là vùng trọng điểm sản xuất lúa, với sản lượng lớn. Những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đang chuyển dần sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng hiện nay.

Bà Bùi Thị Tuyến, ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã gắn bó hơn 20 năm với nông nghiệp và quá quen với lối canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất. Việc sản xuất này khiến chi phí cho mỗi vụ khá cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm.

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang được nông dân huyện Krông Nô áp dụng

Những năm gần đây, bà Tuyết đã tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thăm quan mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Nhờ đó, bà Tuyết đã thay đổi cách sản xuất truyền thống và áp dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Tuyết chia sẻ: “Cách sản xuất bây giờ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm chi phí 1 – 2 lượt phun thuốc, bón phân/vụ. Nó vừa an toàn đối với người sản xuất, người tiêu dùng, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Gia đình tôi đang sản xuất lúa RVT, ST24, năng suất trung bình đạt 1 tấn/ha/vụ. Hàng năm, ngành chuyên môn của huyện thường xuyên tuyên truyền cho tôi và người dân trong xã tăng cường thực hiện các giải pháp cải tạo đất, tiến tới sản xuất nông sản an toàn, hiệu quả kinh tế cao”.

Vụ thu đông năm nay, trên cánh đồng Buôn Choáh, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh thực nghiệm sản xuất lúa hữu cơ với quy mô gần 50 ha, gồm 30 hộ tham gia. Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý chương trình VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP lâu nay là một bước chuẩn bị để người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đang sử dụng 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp người dân “cai” dần các chế phẩm hóa học, sử dụng các bộ giống lúa chất lượng cao.

“Việc chuyển đổi sang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ là tất yếu và rất cần thiết để bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm gạo sạch, tốt cho sức khỏe”, bà Vân chia sẻ.

Huyện Krông Nô đang triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cơ sở quy trình chuẩn VietGAP, chứng nhận vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Nông dân trên địa bàn huyện đang dần sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn, không sử dụng các hóa chất tồn dư lâu ngày trong sản phẩm.

Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, có 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 1.600 ha – 2.000 ha. Trong đó, vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ Buôn Choáh – Nâm N’đir quy mô 500 ha. Các sản phẩm lúa hướng tới xuất khẩu phải được cấp chứng nhận vùng trồng an toàn, sản xuất hữu cơ.

Huyện cũng đang xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín. Tức là lấy các sản phẩm phụ của trồng trọt tạo thức ăn cho chăn nuôi. Sau đó lấy phân của vật nuôi phục vụ trồng trọt.

Sản xuất hữu cơ an toàn với người sản xuất và người sử dụng

Ngành nông nghiệp của huyện đang xây dựng các phương án giúp nông dân tiếp cận với thông tin về nhu cầu sản phẩm mà thị trường cần. Huyện cũng quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng, tránh tình trạng sản xuất tràn lan ngoài vùng quy hoạch. Các giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, thu hút đầu tư, kết nối thị trường tiêu thụ, hình thành các tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác… cũng được huyện đẩy mạnh. Đồng thời, huyện cũng tăng cường bồi dưỡng kiến thức các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, sản xuất lúa hữu cơ đã được ngành nông nghiệp triển khai nhiều năm qua. Hiện nay, bà con cơ bản đã áp dụng các quy trình “nuôi lại đất”. Bởi vì, đất đai qua nhiều thời kỳ lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã chai sạn, bạc màu.

Một số xã trên địa bàn huyện đang triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP, tạo sản phẩm lúa gạo đặc trưng và có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Lộc chia sẻ: “Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã hội tụ đủ điều kiện để sản xuất và tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn bền vững. Sản xuất lúa để đạt được tiêu chuẩn hữu cơ rất khó, nên phải có quyết tâm cao và cần có thời gian. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cần có sự liên kết, vào cuộc của doanh nghiệp để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn