»
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG
Thực hiện hiệu quả tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Thứ tư - 18/12/2019 09:45Bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thì các xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có xuất phát điểm rất thấp, hầu hết chưa có quy hoạch phát triển chung, tổng thể; cơ sở hạ tầng thiết yếu còn rất hạn chế; mật độ dân cư thưa thớt, phân bố không tập trung, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, hệ thống điện, nước sạch, trường học,…
Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thì ngay từ đầu địa phương đã xác định cần phải tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm dần đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Do đó trong thời gian qua, với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình và các nguồn vốn lồng ghép, huy động khác địa phương đã ưu tiên cho việc đầu tư nâng cấp, cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã.
Làm đường bê tông xi măng tại xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa
Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Chương trình đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn đã dần được cứng hóa, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trong hơn 9 năm qua đã cứng hóa được 481,78km/650km, đường huyện, đạt tỷ lệ 74,2%; cứng hóa được 584,7km/942,2km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đạt tỷ lệ 62%; cứng hóa được 1.232,6km/2.538,4km đường trục thôn, bon, buôn bản và đường liên thôn, bon, buôn, bản, đạt tỷ lệ 48,56%; cứng hóa được 296,49km/597,46km đường trục chính nội đồng, đạt tỷ lệ 49,63% và cứng hóa được 58km/58km đường chuyên dùng, đạt tỷ lệ 100%.
Với kết quả này thì theo đánh giá đến tháng 10/2019 toàn tỉnh đã có 30/61 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, đạt 49,2% , cụ thể:
Huyện Cư Jút có 03/07 xã đạt, gồm: Tâm Thắng, Nam Dong, Trúc Sơn.
Huyện Đắk Mil có 05/09 xã: Đức Minh, Đắk Sắk, Thuận An, Đức Mạnh, Đắk Lao.
Huyện Krông Nô có 07/11 xã: Đắk Sôr, Nam Đà, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Đắk Nang, Đức Xuyên, Quảng Phú.
Huyện Đắk G’long có 04/07 xã: Quảng Khê, Đắk Plao, Đắk R’Măng, Đắk Som.
Huyện Đắk R’lấp có 08/10 xã: Nhân Đạo, Nhân Cơ, Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng, Đắk Wer, Kiến Thành, Quãng Tín, Đắk Ru.
Huyện Đắk Song có 02/08 xã: Nâm N’Jang, Thuận Hạnh.
Thị xã Gia Nghĩa có 01/03 xã: Đắk Nia.
Huyện Tuy Đức: Chưa có xã nào đạt tiêu chí số 02-giao thông.
Nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư cứng hóa đường giao thông nông thôn trong 9 năm qua khoẳng 3.906.656 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 1.255.137 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.886.793 triệu đồng; Vốn đóng góp của nhân dân 422.581 triệu đồng; Vốn huy động xã hội hóa 6.735 triệu đồng; Vốn ODA 301.509 triệu đồng và vốn khác 33.901 triệu đồng.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và tình hình thực tế tại địa phương thì Sở Giao thông vận tải đã đề ra định hướng, mục tiêu đến năm 2025 có 100% đường xã đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thông A, B, C theo TCVN 10380:2014; tỷ lệ rải nhựa, bê tông xi măng đạt 80% và dự kiến đến năm 2030 tỷ lệ cứng hóa đạt 100%; đến năm 2025 các tuyến đường thôn, buôn, ngõ xóm, nội đồng tối thiểu đạt cấp B, C, D theo TCVN 10380:2014; tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 70%, và đến năm 2030 nâng tỷ lệ cứng hóa mặt đường lên 80%. Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiên như:
Về công tác tuyên truyền, vận động:
Các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu xây dựng và phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền, tập trung phổ biến kinh nghiệm nội dung học tập các địa phương làm công tác giao thông nông thôn tốt, biểu dương kịp thời các cá nhân tích cực, gương mẫu làm cơ sở nhân rộng ra mọi tầng lớp nhân dân.
Về huy động nguồn lực:
Ngoài các nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ hằng năm, để nâng cao tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường xã, thôn, buôn, nội đồng trên địa bàn huyện, cần xác định “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” vẫn là phương thức chủ đạo; qua đó tập trung nghiên cứu tiếp tục xây dựng chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trên toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương.
Chủ động lập kế hoạch tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp vật chất, ngày công làm đường giao thông nông thôn, đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”, từ đó nâng cao vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư, đồng thời huy động nguồn lực hiện có trong nhân dân.
Kết hợp, lồng ghép có các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn các huyện, để đầu tư xây dựng nông thôn mới trong đó có đầu tư giao thông nông thôn để mang lại hiệu quả cao nhất.
Về công tác quản lý nhà nước về phát triển giao thông nông thôn:
Có kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giám sát công tác đầu tư, phát triển giao thông đến từng địa phương, nhằm nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư và các ban quản lý, ban giám sát công trình.
Xác định quy hoạch mạng lưới giao thông của từng huyện, đặc biệt là giao thông nông thôn phải phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới của các xã; đánh giá đúng thực trạng các tuyến đường, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển giao thông nông thôn đối với các xã có nhiều lợi thế đạt được tiêu chí giao thông trong giai đoạn 2021-2025.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực giao thông; tạo sự chuyển biến về chất lượng, tiến độ công tác lập hồ sơ, thẩm định và thanh quyết toán công trình./.
Tác giả: Văn Tuấn