GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG


Toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2020

Thứ sáu - 29/09/2023 15:16
 
 
 
Sáng 28/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu UBND tỉnh đến điểm cầu 8 huyện, thành phố và 60 xã trên địa bàn tỉnh.

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Hội nghị

Các đồng chí: Lê Văn Chiến – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất giải pháp cụ thể. Theo đó, nhìn chung phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục có tác động rộng lớn tới cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng nhân dân trong việc tham gia đóng góp thực hiện Chương trình. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp ngày càng khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh.

Kết quả thực hiện đến nay đang bám sát các mục tiêu đề ra; Chương trình đã đạt được những kết quả khá toàn diện, bộ mặt vùng nông thôn ngày càng khởi sắc; theo báo cáo điều tra xã hội học đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 73,6% công chúng đánh giá có sự phát triển tốt hơn so với năm 2020, xếp thứ 2/6 lĩnh vực kinh tế được khảo sát. 

Đối với kết quả thực hiện phát triển nông thôn mới so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đề ra, tính đến tháng 9/2023 có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 60% tăng so với năm 2020 (29 xã) là 7 xã; đạt 50% so với mục tiêu đến năm 2025 (đạt 43 xã tăng thêm 14 xã so với năm 2020). 

Về kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2022-2023 của toàn tỉnh, tính đến ngày 19/9/2023 là 156.873/503.883 triệu đồng, đạt 31,2%; trong đó nguồn vốn năm 2022 giải ngân đạt 50%, nguồn vốn năm 2023 giải ngân đạt 12%. Những giải pháp tháo gỡ để đảm bảo công tác giải ngân trong năm 2023 và những năm tiếp cũng đã được đề ra, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đề nghị UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định, giảm tỷ lệ đối ứng đối với những địa phương còn khó khăn như tỉnh Đắk Nông; chỉ đạo các sở, ngành phụ trách các chỉ tiêu, tiêu chí theo dõi và nghiên cứu để kịp thời tham mưu điều chỉnh các chỉ tiêu, tiêu chí do đơn vị phụ trách để sớm sửa đổi, bàn hành Bộ tiêu chí của tỉnh ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Bộ tiêu chí; giao Sở Tài chính nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan để tham mưu đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính bổ sung nội dung chi, mức chi đối với công tác duy tu bảo dưỡng các công trình nông thôn mới sau đầu tư…

Cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến độ giải ngân vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt thấp. Riêng chương trình giảm nghèo bền vững, tổng vốn bố trí trong 2 năm 2022 và 2023 là trên 547 tỷ đồng; đến ngày 14/9/2023 mới chỉ giải ngân được hơn 147,2 tỷ đồng, đạt 26,9%. Ngoài việc vướng do cơ chế chính sách, kết quả giải ngân các chương trình đạt thấp còn do nguyên nhân vướng quy hoạch bô xít. Để tháo gỡ, một số ý kiến đề nghị các huyện, thành phố rà soát, xem xét điều chỉnh những công trình, dự án đang dự kiến thực hiện mà bị vướng quy hoạch bô xít thì chuyển sang các địa bàn khu dân cư, thôn, bon khác hoặc điều chuyển từ xã này sang xã khác để đảm bảo giải ngân trong năm 2023.

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Quang Tứ – Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp  thảo luận, trao đổi ý kiến tại Hội nghị

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tích cực thảo luận về những vấn đề còn tồn đọng và đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới. Nhiều ý kiến xoay quanh việc cần tập trung tháo gỡ một số vướng mắt như: cơ chế huy động nguồn vốn và bố trí nguồn lực, trong đó nội lực của người dân khi xây dựng nông thôn mới là vô cùng quan trọng; các thành viên trong Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn UBND các xã thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch; khuyến khích phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; tập trung chỉ đạo giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn giao năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023; nâng cao chất lượng về văn hoá, xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Anh-tin-bai

Đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đề nghị các xã trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện chủ động phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ, cùng nhau tìm hướng tháo gỡ và cách làm phù hợp, hướng tới hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Nguồn: Toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2020 (daknong.gov.vn)

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn