GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Cần thành lập mô hình Liên hiệp HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tỉnh Đắk Nông

Thứ hai - 26/03/2018 16:25
Trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì liên kết, hợp tác sẽ giúp cho người dân năng động, chủ động để thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Vấn đề liên kết, hợp tác là nhân tố giúp cho sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, tư duy sản xuất gắn với thị trường, là một tất yếu khách quan của quy luật phát triển chung trong lĩnh vực nông nghiệp. Các mô hình hợp tác đang dần hình thành trong quá trình phát triển; động lực để liên kết, hợp tác rất đa dạng, phong phú tạo nên sự gắn kết giữa các bên.
 

   Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay có 68 HTX nông nghiệp sản xuất nông sản mà tình hình tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh, sản xuất không theo quy hoạch, nấm bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều sản phẩm nông sản phụ thuộc thị trường Trung Quốc, các cơ sở thu mua ép giá… các hộ nông dân có xu hướng hợp tác, thành lập HTX, Liên hiệp HTX để liên kết từ khâu sản xuất đầu vào đến khâu tiêu thụ để tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho các HTX thành viên.

 

Ảnh: tập huấn sản xuất cacao theo tiêu chuẩn Fairtrade tại Hợp tác xã Nông nghiệp KRông Nô

Trước nhu cầu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay làm sao tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp làm ra nhưng cắt giảm được chi phí sản xuất cho một sản phẩm nông nghiệp. Và những vấn đề cần giải quyết đó đều đi đến một điểm chung: phải hợp tác, liên kết lại với nhau để sản xuất và cùng hưởng lợi.

Như HTX Nam Hà ở Cư Jút bước đầu chú trọng sản xuất lớn về quả gấc trên địa bàn 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, đến thời kỳ thu hoạch thì loay hoay với sản lượng quả gấc sản xuất ra nhiều mà vẫn chưa tìm đầu ra ổn định cho quả gấc. Trao đổi với ông Trần Văn Định giám đốc HTX Nam Hà,bước đầu HTX đã tìm hướng giải quyết về quả gấc như liên doanh với doanh nghiệp để tinh chế tinh dầu gấc, các sản phẩm về gấc, do sản lượng nhiều nên vẫn chưa thể giải quyết hết sản lượng quả sản xuất ra; nên HTX đã chủ động hợp tác với HTX Nông nghiệp Tia Sáng ở thị xã Gia Nghĩa trong xuất khẩu gấc, trong tháng 12/2017 HTX đã xuất khẩu 2 công ten nơ gấc đi Hàn Quốc, bước đầu thành viên HTX được hưởng lợi từ giá trị gia tăng của quả gấc mang lại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 02 HTX tham gia vào tổ chức thương mại công bằng thế giới (Fairtrade); HTX nông nghiệp KRông Nô chuyên sản xuất cacao mới được dán nhãn FLO của Fairtrade, vẫn đang từng bước tìm kiếm thị trường ở châu Âu; HTX nông nghiệp công bằng Thuận An huyện Đắk Mil là đơn vị đầu tiên của tỉnh tham gia Fairtrade chuyên sản xuất cà phê xuất khẩu và được giá bảo đảm tối thiểu 45.000đồng/kg, đồng thời cứ xuất khẩu 1tấn càphê thì HTX có được 400USD tiền phúc lợi để phục vụ thành viên. Ông Nguyễn Hữu Hạ – Giám đốc HTX nông nghiệp công bằng Thuận An huyện Đắk Mil mong muốn sớm thành lập Liên hiệp HTX công bằng nông nghiệp tỉnh để hướng các hộ nông dân tham gia thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade, GlobalGap, Oganic bền vững; nhưng trên địa bàn tỉnh mới có 02 HTX tham gia Fairtrade, nên khả năng phải kêu gọi các HTX ở tỉnh ngoài đã tham gia Fairtrade để đủ điều kiện theo Luật HTX năm 2012 về thành lập Liên hiệp HTX.

Liên hiệp HTX thành lập phải trên cơ sở nhu cầu liên kết của nông dân trong quá trình sản xuất trên địa bàn tỉnh và sự thống nhất của Hội đồng quản trị của các HTX tham gia. Mục đích của việc thành lập Liên hiệp HTX là nhằm giúp nhà nông, các tiểu điền nông sản, các doanh nghiệp có nhu cầu liên doanh, liên kết trong việc sản xuất, phối hợp, hợp tác để năng suất, sản lượng và diện tích trên địa bàn tỉnh tăng lên và phát triển bền vững. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cần tư vấn, hướng dẫn thành lập các Liên hiệp HTX nông nghiệp cùng một mặt hàng sản xuất như mô hình của các HTX chuyên sản xuất hồ tiêu hữu cơ, khoai lang, chanh dây… trên địa bàn tỉnh; Từ đó hình thành và xây dựng ngành nông sản tỉnh mang nhãn hiệu FairTrade – FLO, GlobalGap và tiến tới xây dựng chuẩn Organic của Châu Âu và Mỹ.

Như vậy, việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững nhằm nâng cao giá trị nông sản là vấn đề có tính chiến lược quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó đòi hỏi phải có sự đồng thuận và hỗ trợ to lớn của Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của chính những Liên hiệp HTX nông nghiệp. Điều đó còn nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên, ổn định chính trị địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn