GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Công tác giảm nghèo đi đúng hướng

Thứ năm - 03/01/2019 14:45

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 27/7/2016 của Tỉnh ủy “Về công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020” cho thấy, công tác giảm nghèo đang đi đúng hướng. Điều này sẽ góp phần sớm đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình “Nâng bước em đến trường” góp phần hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tới trường

Nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên

Thực hiện Nghị quyết 04, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa công tác giảm nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là cơ sở quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Các chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; cấp thẻ bảo hiểm y tế được triển khai đến từng đối tượng cụ thể, góp phần giảm bớt chi phí cho các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện con em hộ nghèo được đến trường học tập.

Tỉnh đã phát huy tối đa các nguồn lực, vật lực và những lợi thế đặc thù do vùng miền mang lại để hỗ trợ các hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn phát triển. Cụ thể, đã có 16.994 lượt hộ nghèo, cận nghèo được cung cấp tín dụng ưu đãi. Lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, có việc làm tại chỗ, cải thiện thu nhập. Các mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản được xây dựng ở các nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh đã xây dựng 469 căn nhà theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; vận động kinh phí xây dựng 18 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo. Việc huy động nguồn lực, hỗ trợ đầu tư phát triển cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn cũng được chú trọng, tạo điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, trường học, chợ, giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn giữa các vùng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Qua đó, người dân nói chung và người nghèo nói riêng có điều kiện tăng thu nhập, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng và thành phần dân tộc…

Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, cộng với ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo, đến năm 2017, chỉ tiêu hộ nghèo giảm so với nghị quyết đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 16,57%, giảm 2,63% so với cuối năm 2016. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 34,58%, giảm 5,86% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 44,45%, giảm 9,34% so với năm 2016.

Cán bộ xã Đắk Som (Đắk Glong) thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền vận động đồng bào tích cực sản xuất, thoát nghèo bền vững

Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc

Để đạt bình quân hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 2% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên, đến năm 2020, đưa “Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển” là mục tiêu mà tỉnh đặt ra. Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các hoạt động giảm nghèo đến với mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp dân cư nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo được tỉnh xem là giải pháp căn cơ. Bởi sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người nghèo mới quyết định tính bền vững của công tác giảm nghèo.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo. Trong đó, Tỉnh ủy phân công các tỉnh ủy viên phụ trách địa bàn huyện để theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo; huyện ủy viên, thị ủy viên theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo tại các xã. Chi bộ và các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên giúp đỡ các hộ nghèo của tổ chức mình thoát nghèo. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn địa phương, buôn, bon được phân công kết nghĩa, đỡ đầu thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Các địa phương ưu tiên đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho thôn, bon, buôn trọng điểm trong giai đoạn 2017-2020.

Cùng với đẩy mạnh lồng ghép, phân bổ kịp thời, đúng quy định nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo từ ngân sách, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực đóng góp, tài trợ hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đối ứng và tham gia đóng góp của người dân và đối tượng thụ hưởng tập trung cho công tác giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay theo mức tối đa quy định; đồng thời, gắn trách nhiệm, cam kết sử dụng nguồn vay vốn đúng mục đích, hiệu quả và tác động đến khả năng thoát nghèo của hộ nghèo. Một giải pháp nữa là tỉnh sẽ thực hiện thí điểm chính sách khen thưởng, động viên khuyến khích hộ thoát nghèo, thôn thoát nghèo và xã thoát nghèo.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn

 

 

 

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn