Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các bộ ngành TW tham dự hội nghị
 

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng khẳng định, Đắk Nông xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực cần chú trọng phát triển. Toàn tỉnh hiện có gần 35 ngàn ha hồ tiêu với sản lượng trên 42 ngàn tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển những mô hình hồ tiêu theo hướng bền vững cho giá trị cao hơn đến 15% so với phương thức trồng thông thường. Thông qua mô hình phát triển theo hướng bền vững đã góp phần đảm bảo môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh hướng dẫn về sản xuất theo đúng quy trình, tổ chức công tác tuyên truyền để nông dân hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững. Tuy nhiên, quá trình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều thách thức. Đó là sự phát triển “quá nóng” của cây hồ tiêu đã phá vỡ quy hoạch cây trồng của ngành nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, giá cả. Đã có nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích, tuy nhiên với giá hồ tiêu thấp như hiện nay, cộng với cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết dẫn đến người dân không có khả năng trả nợ vay ngân hàng. Đồng thời, người sản xuất hồ tiêu cũng rất mơ hồ về thị trường tiêu thụ, sản phẩm sản xuất ra hoàn toàn phụ thuộc các thương lái, đại lý nhỏ thu gom, ít chú ý đến vấn đề chất lượng vì thế sản phẩm được tiêu thụ không ổn định. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, căn cơ từ khâu trồng trọt, sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường các chính sách hỗ trợ tín dụng để phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng phát biểu chào mừng hội nghị
 

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu của hồ tiêu. Năm 2001 cả nước có 35,3 ngàn ha thì năm 2018 diện tích hồ tiêu là 149,8 ngàn ha, tăng hơn 400%, chiếm trên 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 chỉ đạt 90 triệu USD, thì đến năm 2018 kim ngạch đạt đạt 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%. Tuy nhiên, ba năm gần đây (2017-2019) giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục giảm do nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá hồ tiêu trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 45.000 – 46.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do bị thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu. Theo nhận định và dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Đức trình bày báo cáo đề dẫn
 

Để phát triển hồ tiêu bền vững, nhất là đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về thực trạng sản xuất hồ tiêu và giải pháp trong tái cơ cấu ngành hồ tiêu trong lĩnh vực quy hoạch, canh tác, giống, bảo vệ thực vật; thực trạng các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu, nội dung các chính sách hiện hành về phát triển liên kết chuỗi; đề xuất giải pháp hỗ trợ tại các khâu liên kết yếu. Đồng thời đánh giá xu hướng thị trường hồ tiêu trong nước và quốc tế; các giải pháp đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam cũng như vai trò dẫn dắt của nước sản xuất dẫn đầu ngành hồ tiêu thế giới. Đánh giá thực trạng, chất lượng tín dụng đối với cây hồ tiêu; phân tích hiệu quả tín dụng, thực tế dư nợ thời điểm hiện tại, đề xuất giải pháp, hướng xử lý về thực trạng thiệt hại. Trong đó, xem xét từng món vay cụ thể để giảm lãi vay, giãn nợ; đặc biệt là miễn, giảm lãi vay cho bà con, đưa ra hướng xử lý nợ vay.

Hơn 300 đại biểu tham dự hội nghị
 

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, qua các tham luận cho thấy, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức nhưng đây cũng là cơ hội, Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện theo phương án diện tích đã được Bộ NN và PTNT đã quy hoạch. Thực hiện theo quy trình chăm sóc hồ tiêu, ưu tiên phát triển hồ tiêu hữu cơ. Phát triển hệ thống HTX nhằm thúc đẩy quá trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục có những giải pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu; nghiên cứu đề xuất ban hành bộ giống hồ tiêu sạch bệnh. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nghiên cứu xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hồ tiêu. Đối với các kiến nghị tại hội nghị về cơ chế chính sách, nguồn vốn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận, báo cáo các bộ ngành liên quan phối hợp tìm giải pháp. Trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương phải đánh giá vai trò của ngành hàng hồ tiêu trong sản xuất nông nghiệp để có định hướng phát triển phù hợp theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định cần thiết phải xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hồ tiêu
Nguồn: http://www.truyenhinhdaknong.vn