»
KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT
Huyện Cư Jút tập trung phát triển các sản phẩm Ocop
Thứ năm - 26/11/2020 13:24Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang được huyện Cư Jút tập trung triển khai thực hiện. Mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.
Với tiềm năng phát triển thành vùng sản xuất trồng gấc theo hướng hàng hóa tập trung, HTX Nam Hà, thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, HTX Nam Hà phối hợp thực hiện tập huấn sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nam Hà, TT EaTling cho biết: hiện HTX đang phát triển diện tích trồng gấc theo tiêu chuẩn VietGAP, một số diện tích đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, từ đó giá trị sản phẩm gấc được nâng lên đáng kể. Hiện sản phẩm gấc được HTX chế biến thành tinh dầu và sợi bún gấc phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ đó đời sống người trồng gấc trên địa bàn huyện được cải thiện vì giá gấc bán cho HTX luôn ở mức giá ổn định từ 6 đến 10 ngàn đồng/kg.

Mô hình Gấc của HTX Nam Hà, TT EaTling, Cư Jút
Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Thành, xã Cư Knia, huyện Cưjut cho biết: hiện HTX đang phấn đấu đưa sản phẩm cà phê sạch của HTX trở thành sản phẩm OCOP nên những năm trở lại đây, các thành viên trong HTX đã cải tiến quy trình trồng và chăm sóc cây cà phê theo hướng chặt chẽ, an toàn sinh học. Đồng thời nâng cấp về quy mô, diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các khâu từ chọn hạt cà phê, chế biến rang, say, đóng gói…được áp dụng theo một quy trình nghiêm ngặt hơn trước đây. Mục tiêu của HTX là xây dựng sản phẩm cà phê sạch của xã Cư Knia trở thành thương hiệu riêng, và là sản phẩm OCOP để mang lại giá trị kinh tế cho nhiều người dân trên địa bàn xã.
Sản phẩm cà phê sạch của HTX NN Tiến Thành, Cư K’Nia
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được huyện Cư Jút coi như một “cú huých” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu một cách bài bản và bền vững. Hiện nay, huyện Cư Jút có 05 sản phẩm gồm: cà phê hữu cơ, tinh dầu gấc, bò khô, hạt điều rang muối… tham gia chương trình OCOP. Để phát triển các sản phẩm OCOP, UBND huyện Cư Jút đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; tổ chức các hội nghị, tập huấn hướng dẫn nội dung chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình; sau khi lựa chọn được các sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh, huyện Cư Jút phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về thương mại, thế mạnh của HTX, doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra. Những sản phẩm OCOP đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nói chung và tạo thêm tính da dạng cho danh sách các nông sản đặc trưng của địa phương.

Cây nhãn Hương Chi ở xã Nam Dong
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng để huyện Cư Jút thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị./.
Tác giả: Hữu Phương