»
KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT
Kết quả, kinh nghiệm trong vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đắk Mil
Thứ hai - 09/12/2019 09:43Đắk Mil là một huyện miền núi biên giới, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh; diện tích tự nhiên 68.158 ha, dân số là 99.892 người, huyện có 19 dân tộc cùng sinh sống, có 3 tôn giáo chính: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, chiếm 61,3%, trong đó: đạo Công giáo chiếm 51% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 10 giáo xứ, 20 giáo họ, 13 giáo điểm, có 10/10 xã, thị trấn có giáo dân sinh sống, với 50.976 giáo dân, trong đó, giáo dân chủ yếu sống tập trung ở một số xã như: Đức Minh, Đắk Sắk, Đức Mạnh.
Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, sự đồng thuận của các chức sắc, chức việc và giáo dân nên các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện Đắk Mil, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh – sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và đã giành được những kết quả tích cực. Bà con giáo dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi trang trại tập trung có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình có ông Võ Đình Danh, xã Đức Minh, ông Đặng Cát Thúc, xã Đức Mạnh đang kinh doanh vườn ươm cây giống; Trang trại ông Lê Trung Thành, xã Đắk Sắk quy mô 2.400 con heo, 40.000 con gà; trang trại ông Nguyễn Khắc Tăng, xã Đăk Sắk quy mô 40.000 con gà, tra trại ông Văn Đức Quang, xã Đắk Gằn, quy mô 1.200 con heo, trang trại ông Hoàn Tiến Dũng, xã Đắk Sắk quy mô 40.000 con gà có liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam và Công ty Chăn nuôi Bình Minh.
Bà con Giáo dân đầu tư nâng cao công tác phát triển sản xuất
Phong trào xây dựng giáo xứ, giáo họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu đã được các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân tham gia, hưởng ứng. Tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng được tăng cường. Hội đồng các giáo xứ, giáo họ thường xuyên vận động bà con giáo dân giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực ủng hộ ngày công, kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi, làm thủy lợi nội đồng; vận động giáo dân tích cực tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Điển hình như Linh Mục Trần Xuân Cương, giáo xứ Vinh An, Linh mục Cao Tiến Hà, giáo xứ Đức Lễ, xã Đức Mạnh, Linh mục Trần Văn Thanh, giáo xứ Xuân Lộc, Đắk Sắk tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc vận động giáo dân hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thông qua các buổi giảng giải, huấn giáo tại các nhà thờ, nhà nguyện, cũng như trong các buổi sinh hoạt tại cộng đồng, các vị Linh mục đã kêu gọi giáo dân của mình thực hiện tốt vai trò của người công dân, thực hiện tốt phương châm: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, như Thư Chung năm 1980 của Hội Đồng Giám mục Việt nam đã kêu gọi. Các chức sắc công giáo đã ra sức giáo dục, thuyết phục, mở nhiều lớp học trang bị kiến thức cũng như phối hợp với chính quyền địa phương giúp cho thanh thiếu niên bài trừ các tệ nạn xã hội như: Trai gái, rượu chè, trộm cắp, cờ bạc; kêu gọi con em chấp hành tốt luật lệ giao thông, bảo vệ sự an bình của thôn xóm; kêu gọi thanh niên lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp, thường xuyên quan tâm đến việc sinh hoạt tôn giáo ở các giáo xứ, giáo họ nhằm đảm bảo sinh hoạt tôn giáo thuần túy, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng giáo dân. Những nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân chính quyền xem xét, giải quyết. Đặc biệt, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt phương châm “Người Công giáo tốt trước hết là công dân tốt”, các cấp cử tri vùng giáo đã tự giác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; tỷ lệ giáo dân đi bỏ phiếu đạt trên 98%; có 01 giáo dân đã được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, 01giáo dân là đại biểu hội đồng nhân dân huyện. Vào các dịp lễ Giáng sinh, chầu lượt ở các giáo xứ, khởi công xây dựng, khánh thành nhà thờ, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đến động viên, chúc mừng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận đối với đồng bào có đạo.
Những phong trào, hoạt động thiết thực, cụ thể của cộng đồng giáo dân đã góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đà thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh – sống tốt đời đẹp đạo” trong thời gian tới, xây dựng quê hương Đắk Mil ngày càng phát triển.
Sau 09 năm vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo huyện Đắk Mil rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt, phổ biến về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị; Phát huy vai trò của Hội đồng giáo xứ, các chức sắc tôn giáo trong vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hai là, Xác định xây dựng nông thôn mới là Chương trình của dân, do dân và vì dân, nhân dân làm là chính; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện chương trình; người dân đóng vai trò chủ thể cùng các tổ chức chính trị xã hội trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới phải được tiến hành công khai, dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất của nhân dân, do nhân dân trực tiếp làm và giám sát.
Ba là, Xác định rõ xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn phải tạo được sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân./.
Tác giả: Văn Tuấn