GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Mẹo” bảo vệ vườn cây ăn trái

Thứ ba - 24/12/2019 14:17
Chỉ cần dùng một vài “mẹo” nhỏ, ông Nguyễn Bá Tòng, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã bảo vệ hiệu quả gần 6 ha cây ăn trái không bị côn trùng, chim, sóc phá hoại.

Dùng vật dụng bắt côn trùng

Trong vườn của gia đình ông Tòng hiện trồng rất nhiều cây có múi như: cam, quýt, măng cụt… Vì vậy, vào mùa cây trổ bông, đơm trái thường bị côn trùng, chim, sóc tấn công, gây hư hỏng khá nhiều.

Gia đình ông Nguyễn Bá Tòng sử dụng những tấm xốp có bôi dầu thơm và keo dính gắn trên mỗi cây bưởi để bắt côn trùng

Ông Tòng cho biết, vườn cây ăn trái của gia đình anh trồng được khoảng 15 năm nay. Vào mùa, chim chóc, côn trùng các loại phá hoại rất nhiều, nhưng ông nhất quyết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ vườn cây. Thay vào đó, ông sử dụng tấm xốp, lưới, túi treo… để bắt hoặc xua đuổi các loài vật gây hại vườn cây ăn trái. Những tấm xốp nhỏ được ông gắn trên mỗi cành cây có bôi dầu thơm và một lớp keo dính trên bề mặt, khiến côn trùng bám vào và chết.

Ông Tòng chia sẻ: “Côn trùng bám trên tấm xốp sẽ chết, không có cơ hội sinh sôi nữa. Những vật dụng này hoàn toàn bảo đảm độ an toàn khi sử dụng và không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người”.

Ngoài ra, ông còn treo nhiều túi lưới trong vườn cây để bắt các loại côn trùng có kích thước lớn. Nhờ đó, vườn cây của gia đình ông Tòng đã được bảo vệ khá hiệu quả, lượng trái cây bị côn trùng làm hư hỏng trong năm giảm tới trên 70%.

Ngoài ra, gia đình ông còn tập trung cho việc cuốc cỏ, dọn dẹp quanh cây trồng, không để cho các loại côn trùng sinh sôi. Vào mùa khô, mỗi tuần, ông Tòng thực hiện tưới nước 1 lần để cung cấp đủ độ ẩm cho cây, giúp cho quả bưởi được ngọt thanh và da bóng đẹp hơn.

Những trái bưởi có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp được gia đình anh Tòng thu hoạch

Lấy âm thanh xua chim, sóc

Trong vườn cây, gia đình ông Tòng còn dùng nhiều âm thanh khác nhau để xua đuổi chim, sóc. Vào mùa thu hoạch sầu riêng, các loại chim, sóc thường xuyên đến ăn trái, phá vườn, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình. Việc hàng ngày phải vào vườn túc trực xua đuổi các loài vật này rất vất vả, nhưng không mang lại hiệu quả là bao.

Ý tưởng dùng hệ thống loa có cài đặt âm thanh để xua chim, sóc được ông Tòng nghiên cứu và áp dụng thành công cách đây 2 năm. Kết cấu hệ thống loa khá đơn giản. Trên loa được gắn 1 con chíp có âm thanh được đấu nối thành một hệ thống tự động. Loa phát tầm 30 phút sẽ tự tắt và bật lại. Âm thanh được ông Tòng cài đặt bằng nhiều tiếng động khác nhau như: Các bài hát, tiếng chó sủa, mèo kêu, kể chuyện…

Hệ thống loa được gia đình anh Tòng treo trên các thân cây sầu riêng để xua đuổi chim, sóc ăn trái, phá vườn

Hiện nay, xung quanh rẫy của gia đình ông Tòng được bố trí 6 cái loa ở các vị trí khác nhau. Tất cả loa được treo trên mỗi cây sầu riêng, trang bị mái che để bảo vệ. Ông Tòng cho biết: “Trước kia, khi chưa có hệ thống loa đài, mỗi ngày cứ tầm 4-5 giờ sáng và 18-19 giờ tối, gia đình phải đi vào vườn để đuổi sóc rất vất vả. Bây giờ, mỗi lần vận hành, gia đình chỉ cần bật công tắc tổng trên nhà là hệ thống âm thanh sẽ hoạt động bình thường, không phải đi lại nhiều lần. Chỉ cần trong vườn có tiếng động là những con vật gây hại sẽ không dám tới vườn tìm sầu riêng để ăn nữa”.

Mỗi năm, vườn sầu riêng của gia đình ông Tòng thu được gần 50 tấn trái. Hệ thống loa đi vào vận hành đã giúp gia đình giảm thiệt hại được hơn 70% so với trước. Trong khi chi phí trang bị hệ thống này được gia đình ông đầu tư với gần 14 triệu đồng, không đáng kể so với giá trị của vườn cây.

Mô hình bảo vệ vườn cây của gia đình ông Tòng được chính quyền địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn