GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Mở ra hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm

Thứ ba - 31/12/2019 13:50

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng hỗ trợ nghệ nhân tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Vượt qua những khó khăn, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào đang có những tín hiệu vui khi ứng dụng vào thời trang hiện đại.

Kỳ 1:  Đa dạng sắc màu thổ cẩm

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ngoài dân tộc Kinh còn có tới 39 DTTS sinh sống, luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và điều đó được thể hiện rõ nét  trong từng hoa văn, sắc màu của thổ cẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại Diễn đàn hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trong thời kỳ 4.0

Thổ cẩm đã “ăn trong máu”

Trước đây, đa số phụ nữ DTTS  đều biết dệt thổ cẩm. Thế nhưng, do cuộc sống ngày càng thay đổi, một thời gian dài chưa có sự quan tâm đúng mức nên nghề dệt thổ cẩm ít nhiều mai một, số phụ nữ DTTS biết dệt thổ cẩm chỉ còn rất ít. Những người được công nhận nghệ nhân dệt thổ cẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh không nhiều, đa số tuổi đã cao nhưng điều đáng ghi nhận là họ luôn tâm huyết truyền nghề cho con cháu.

Nghệ nhân H’Bạch, dân tộc Mạ, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), năm nay đã ngoài 70 tuổi và có hơn 50 năm gắn bó với khung dệt, nên tình yêu với thổ cẩm vẫn đong đầy.

Bà H’Bạch tâm sự: Thổ cẩm đã “ăn trong máu” của già rồi, dệt cho mòn cả khung ấy. Hồi nhỏ, già được các bà, các mẹ chỉ cho và dần dần thành thạo. Trước đây, bà con dệt chủ yếu là quần, áo, chăn, gối, túi xách… để phục vụ cho gia đình nên hầu như phụ nữ ít nhiều ai cũng biết dệt. Bà con làm sợi từ lá cây, rễ cây, sau này có len thay thế nên dệt nhanh hơn nhưng chất liệu không tốt bằng làm từ tự nhiên. Trên thị trường, quần áo, đồ dùng được may sẵn nhiều mà rẻ, bà con mua về mặc, nên nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một. Nhưng với già thì quen rồi, cứ cần đồ dùng là lại ngồi vào dệt và truyền lại cho con gái, các cháu. Mình truyền nghề lại cho con cháu thì mới giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc và đó là tâm huyết của đời mình”.

Cả gia đình bà H’Bạch cùng có niềm đam mê thổ cẩm đang giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Nối nghiệp bà H’Bạch, con gái bà là chị H’Bình cũng có niềm đam mê thổ cẩm và hiện là một trong những nghệ nhân của tỉnh. Chị H’Bình tâm sự: Tôi may mắn có được mẹ truyền nghề và mình cũng rất thích dệt thổ cẩm. Từ bé đến nay, tôi luôn tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật dệt để làm sao vừa dệt đẹp, giữ được hoa văn truyền thống nhưng cũng phải phù hợp với thời đại hiện nay. Tôi không chỉ nghiên cứu hoa văn của dân tộc mình mà còn tìm hiểu về thổ cẩm của người Ê đê, M’nông. Nói chung, đồng bào Tây Nguyên mình thổ cẩm mỗi dân tộc có màu sắc chủ đạo riêng. Trang phục thổ cẩm của người Mạ chủ yếu là màu trắng và đỏ thì Ê đê là màu đen và xen đỏ, chàm, vàng, xanh, còn M’nông là màu đen và xanh. Hiện nay, ngoài việc dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ thì tôi cũng biết dệt thổ cẩm của người Ê đê và M’nông. Tôi được mẹ truyền nghề nên phải có trách nhiệm truyền nghề lại cho con gái, xem đây là nghề truyền thống của gia đình, truyền từ đời này sang đời khác.

Chị H’Đă Êya, dân tộc Ê đê, ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) có gần 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và đã truyền nghề cho nhiều chị em. Chị H’Đă tâm sự: Để dệt một bộ trang phục phải mất cả tháng trời nhưng nghề dệt thổ cẩm chưa bao giờ làm tôi nản lòng mà luôn thích thú. Khi mình dệt bộ trang phục cho người đàn ông phải toát lên được sự khỏe mạnh, lực lưỡng, còn trang phục của người phụ nữ cũng mang đậm chất Tây Nguyên, mạnh mẽ nhưng nữ tính. Để làm được điều đó thì mình pha màu phải hài hòa, hoa văn phải mềm mại. Gắn bó với thiên nhiên hoang dã nên người Ê đê thường dệt hoa văn về cỏ cây, hoa lá, chim muông.

Chị H’Đă, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cùng các thành viên giới thiệu về làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của bà con Ê đê tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa

Dạy nghề để giữ nghề

Trước tình trạng nghề dệt thổ cẩm có phần mai một, khoảng 10 năm trở lại đây, các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho chị em. Một số địa phương đã thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm góp phần giữ nghề truyền thống.

Chị Hà Thị Xuyến, Tổ phó Tổ hợp tác thổ cẩm Ea Pô giới thiệu sản phẩm của dân tộc Thái tại Diễn đàn hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trong thời kỳ 4.0 được tổ chức ở thị xã Gia Nghĩa

Chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chia sẻ: Tổ hợp tác được thành lập hơn 1 năm đã góp phần giữ nghề truyền thống và tạo việc làm cho bà con. Ngoài 8 chị em tham gia tổ hợp tác thì trên địa bàn xã có nhiều chị em được học nghề. Những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND thị xã Gia Nghĩa cùng với các nghệ nhân mở các lớp dạy nghề cho bà con. Sau khi kết thúc lớp học, chị em đều đã biết nghề và muốn lưu giữ nghề của mình. Nhiều chị sau khi được học nghề đã truyền lại cho thế hệ trẻ.

  Hiện nay, tổ hợp tác đã tập hợp được 27 chị tham gia. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 200 chị em dân tộc Thái biết dệt thổ cẩm. Thời gian tới, tổ hợp tác tổ chức các hoạt động thiết thực như tập huấn, dạy nghề và mời các nghệ nhân truyền nghề để thu hút đông đảo chị em tham gia, góp phần tạo việc làm thêm.

Chị Hà Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Pô kiêm Tổ phó Tổ hợp tác thổ cẩm Ea Pô

 

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của xã Đắk Nia năm 2018 đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Thời gian qua, UBND xã Đắk Nia hỗ trợ tổ hợp tác dệt thổ cẩm mua sắm nguyên vật liệu và trình lên thị xã để có thêm kinh phí hoạt động trong thời gian tới tốt hơn.

Chị H’Đă, Tổ trưởng Tổ hợp tác buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cũng cho biết: Từ khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động dạy nghề, truyền nghề có chuyển biến tích cực. Ngoài việc góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, chị em còn có nhiều sáng tạo để làm cho sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng và phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Hoa văn thổ cẩm của Đắk Nông đa dạng, phong phú về họa tiết, màu sắc

Đồng bào các DTTS khác cũng đã thành lập tổ hợp tác thổ cẩm. Trong đó, đầu năm 2019, Hội LHPN huyện Cư Jút đã vận động chị em dân tộc Thái của xã Ea Pô thành lập tổ hợp tác và bước đầu hoạt động hiệu quả.
Thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của các DTTS. Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở các địa phương đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần tích cực phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn