GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Thứ năm - 03/09/2020 14:13

     Thời gian qua, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi và đạt được nhiều kết quả khả quan.

     Cũng như các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, cơ cấu nông nghiệp của Đắk Nông cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là cà phê: 130.000 ha; cao su: 27.820 ha; hồ tiêu: 33.150 ha; điều: 15.000 ha và cây ăn quả hơn 14.290 ha.

Năng suất cà phê sau khi tái canh của gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr (Krông Nô) đạt trên 4 tấn/ha

     Cây hàng năm của Đắk Nông chiếm tỷ trọng không lớn, giao động từ 110.000 – 114.000 ha. Tuy nhiên, cây hàng năm có vai trò quan trọng đối với người dân ở những vùng thuần nông, chuyên canh lúa, ngô, đậu… giúp bà con cải thiện thu nhập, ổn định an ninh lương thực tại chỗ.

     Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh là hết sức quan trọng, mang tính cấp bách và lâu dài. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai “nhiệm vụ kép” trong sản xuất. Đó là vừa khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Trong đó, sản xuất cây công nghiệp lâu năm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì đây là nguồn thu nhập chính của đa số người dân trong tỉnh.

     Những năm qua, việc phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng được các địa phương và người dân quan tâm. Với cây cà phê, Đắk Nông đã tái canh 16.414 ha, tăng năng suất từ 2,4 tấn/ha lên 3 – 3,5 tấn/ha/năm. Đến nay, có trên 30.000 ha cà phê liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, với khoảng 15.000 hộ tham gia.

Trồng sầu riêng giúp ông Ngô Quang ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

     Cây ăn quả cũng đã trở thành thế mạnh tại các địa phương. Theo đó, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện nay lên tới 14.290 ha. Cây ăn quả cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm trồng xen, còn trồng thuần đạt từ 250 – 600 triệu đồng/ha/năm. Định hướng đến năm 2030, Đắk Nông sẽ quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả lên 18.500 ha, cho sản lượng hơn 288.000 tấn/năm.

     Tỉnh đã và đang xây dựng quy hoạch, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể, vùng trồng sầu riêng ở Đắk Mil, Gia Nghĩa; vùng trồng xoài ở Đắk Mil; vùng trồng cây ăn quả có múi ở Đắk Glong, Đắk Song, Gia Nghĩa; vùng trồng chanh dây ở Đắk R’lấp, Đắk Glong, Gia Nghĩa và vùng trồng bơ ở 6 địa phương Gia Nghĩa, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil và Đắk R’lấp.

     Các loại cây trồng khác cũng được nông dân nỗ lực chuyển đổi đạt hiệu quả cao như: Lúa ở Krông Nô, Cư Jút; ngô lai, đậu nành tại Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô… Trong sản xuất lúa, đến nay đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống theo hướng tăng diện tích xuân muộn, mùa sớm. Việc sản xuất lúa đều đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác mới như hệ thống thâm canh lúa mới (SRI), “3 giảm, 3 tăng” (ICM), quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cơ giới hóa khâu làm đất đạt 92%, cơ giới hóa khâu thu hoạch cũng cải thiện khoảng trên 60%… Các loại giống lúa chất lượng cao cũng được đưa vào sản xuất đại trà, mang lại giá trị thương phẩm cao.

Gia đình bà Hà Thị Phố ở thôn 3, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút (bên trái ảnh) sử dụng giống ngô lai có ưu thế kháng sâu bệnh và cho năng suất trên 8 tấn/ha

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, sản xuất chưa bền vững, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường, chưa hình thành mối liên kết trong sản xuất… Do đó, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành công, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc giải quyết thấu đáo những vấn đề tồn tại lâu nay như: Tháo gỡ các vấn đề về đất đai, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu quy mô sản xuất hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

     Ngành Nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chủ động phòng chống dịch bệnh, khuyến khích thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị nông sản và làm nền tảng cho các mối liên kết… Có như vậy, những nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh và người dân trong việc đẩy mạnh sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mới mau chóng đạt được thành quả. Từ đó giúp cho người dân các vùng nông thôn nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt thêm nhiều kết quả mong đợi.

Nguồn: Báo Đắk Nông Online

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn