GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT


Triển vọng từ chương trình sản xuất rau an toàn ở Đắk Song

Thứ tư - 03/05/2017 09:13
Thời gian qua, để sản phẩm rau xanh tạo được chỗ đứng trên thị trường, ngành Nông nghiệp huyện Đắk Song đã hướng đến trồng rau theo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn chất lượng và truy nguyên nguồn gốc (VietGap). Đây chính là xu thế mới cũng là hướng đi đúng đắn của vùng sản xuất rau xanh trọng điểm nà

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Song thì Đắk Song là khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại rau, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.

Tuy nhiên, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap bước đầu vẫn còn khá bỡ ngỡ với nhiều hộ nông dân. Bởi vì sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap luôn đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ, tuân thủ các quy định bắt buộc trong từng khâu sản xuất. Do đó, việc giúp nông dân thực hiện đúng, đủ các quy định mới đủ tiêu chuẩn cần thiết để đăng ký chứng nhận VietGap.

Vườn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của ông Ngô Minh Chính, tổ viên Tổ hợp tác Rau an toàn Đồng Tiến, xã Thuận Hà (Đắk Song)

Xây dựng vùng rau sạch

Để áp dụng và mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn (RAT)theo tiêu chuẩn VietGap, năm 2016, từ nguồn vốn của Dự án 3EM, địa phương đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGap cho 21 loại rau, củ, quả các loại phù hợp với điều kiện nông hóa thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, tập quán sản xuất của nông dân cũng như những quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn VietGap. Quy trình đã được chuyển giao và áp dụng thành công tại 14 hộ nông dân của Tổ hợp tác (THT) RAT Đồng Tiến ở xã Thuận Hà.

Ông Tòng Văn Hiếu, tổ viên THT RAT Đồng Tiến cho biết: “Với vai trò là người sản xuất, tôi sẵn sàng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để làm ra sản phẩm phù hợp với tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi sản phẩm được chứng nhận không những tôi có lời mà người tiêu dùng cũng yên tâm không phải lo nghĩ đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm”.

Bà Hoàng Thị Thủy, Tổ trưởng THT RAT Đồng Tiến khẳng định: “Việc sản xuất RAT là hướng đi tất yếu của nông dân trên địa bàn. Từ ngày chúng tôi tham gia vào nhóm sản xuất RAT theo hướng VietGap, sản phẩm của các tổ viên sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm thì sản phẩm bảo đảm an toàn hơn. Bởi bà con được hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch”.

Trao đổi về tình hình sản xuất RAT tại địa phương, ông Lê Hoàng Vinh chia sẻ: “Hiện nay, do bà con sản xuất với diện tích nhỏ, sản lượng ít nên gặp khó trong vấn đề ký kết hợp đồng tiêu thụ. Vì vậy, tới đây, huyện sẽ tiếp tục xúc tiến với các THT tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh để mở rộng diện tích sản xuất RAT trên diện tích khoảng 20 ha.

Mô hình trồng cà chua bi an toàn tại Hợp tác rau an toàn Đồng Tiến, xã Thuận Hà (Đắk Song)

Sự vào cuộc của các cấp, ngành

Hiện nay, mặc dù Đắk Song đã hình thành được các tổ, nhóm sản xuất RAT VietGap với 21 loại sản phẩm rau các loại, với sản lượng dự kiến hàng năm hơn 1.100 tấn rau, củ tươi, nhưng việc sản xuất vẫn chưa được tổ chức thành hệ thống và liên kết trên quy mô lớn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Là một người nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau ở xã Thuận Hạnh, ông Nguyễn Cao Trí bày tỏ mong muốn: “Những năm qua, tôi sản xuất ra sản phẩm thường bán ra thị trường tự do. Khi nào gặp giá cao thì nông dân có lời nếu không thì bà con phải đổ đi. Do vậy, nếu các doanh nghiệp ký kết ngay từ ban đầu để nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng thì bà con sẽ yên tâm sản xuất hơn”.

Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Công ty Tư vấn Dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt, chủ nhiệm gói thầu “Tư vấn xây dựng vườn rau theo chuẩn VietGap” thuộc Dự án 3EM Đắk Nông, để giúp sản phẩm VietGap tiêu thụ thuận lợi cần phải có hệ thống đánh giá, kiểm định, phải tạo mẫu mã, bao bì, tem, nhãn, đóng gói một cách chuyên nghiệp; đồng thời, phải xây dựng thương hiệu mang tính đặc thù cho từng đơn vị, cơ sở sản xuất giúp sản phẩm được nhận diện, lúc đó sản phẩm xuất ra thị trường có giá trị cao hơn. Về điều này, ông Nguyễn Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: “Để sản phẩm rau do nông dân sản xuất ra tiêu thụ xứng đáng với công sức bỏ ra, chúng tôi đã và đang nỗ lực cùng với các bên có liên quan kết nối thị trường làm thế nào để rau sạch bán với giá cao hơn so với các loại sản phẩm sản xuất truyền thống hiện nay”.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/trien-vong-tu-chuong-trinh-san-xuat-rau-an-toan-o-dak-song-53403.html

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn