»
KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT
Tuy Đức tăng cường phát triển sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững
Thứ tư - 03/10/2018 08:48Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung chủ yếu, quan trọng nhất trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được điều đó, những năm qua, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp từ đó giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Mắc Ca
Huyện Tuy Đức có tổng diện tích tự nhiên trên 112.219 ha, dân số trên 52 ngàn người, có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,8%. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực có năng suất và giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su, khoai lang…và các loại vật nuôi như: trâu bò, heo, gà… Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao, thành lập các tổ liên kết; vận động người dân học nghề; tạo việc làm… là những giải pháp quan trọng mà các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh thực hiện.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, các doanh nghiệp và bà con nông dân, ngành nông nghiệp huyện Tuy Đức đã có những bước tiến mới và từng bước đạt được những mục tiêu quan trọng, đưa nền nông nghiệp huyện phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, kết quả đạt được đến nay như sau:
Về trồng trọt: Một số cây trồng chính trên địa bàn huyện như: hồ tiêu, cà phê, điều, cao su…đã không ngừng tăng lên về năng suất, chất lượng do được đầu tư thâm canh, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đáp ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường. So với thời kỳ đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2011), năng suất và chất lượng các loại cây trồng tăng khá như: cà phê năng suất tăng 5 tạ/ha, hồ tiêu tăng 2,5 tạ/ha, cao su tăng 3,4 tạ/ha, điều tăng 2 tạ/ha…
Đặc biệt giai đoạn 2011 – 2018, huyện đã bước đầu trồng thành công giống cây mắc ca và nhân rộng ra sản xuất đại trà theo hai hình thức trồng thuần và trồng xen trong vườn cây cà phê. Đến nay, tổng diện tích trồng mắc ca trên địa bàn toàn huyện đạt trên 800ha và hình thành 02 vùng chuyên canh sản xuất mắc ca lớn nhất trong tỉnh gồm: vùng chuyên canh cây mắc ca tại xã Quảng Trực với diện tích 366ha và tại xã Quảng Tâm với diện tích 162ha. Theo chủ trương của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 diện tích mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức được mở rộng tới 12 ngàn ha, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng chủ lực, là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất (cây Mắc ca) tại xã Quảng Tâm
Đối với cây trồng hàng năm, huyện tập trung vào sản xuất cây lương thực lúa, ngô và cây khoai lang với các giống mới cho năng suất cao. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt hàng năm đạt trên 3 ngàn tấn (trong đó: lúa 2.138 tấn; ngô 1.780 tấn), góp phần ổn định lương thực và cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi. Riêng đối với cây khoai lang đã xây dựng được thương hiệu “Khoai lang Tuy Đức”. Tổng sản lượng khoai hàng năm đạt 35 ngàn tấn, thu nhập bình quân 01ha khoai đạt trên 100 triệu đồng.
Về chăn nuôi: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi có chiều hướng tăng dần trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến đầu năm 2018, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 11,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng 5,2% so với năm 2010. Tỷ lệ lai hoá đàn bò đạt 80%, nạc hoá đàn heo đạt 95%. Xu hướng chăn nuôi trang trại tập trung có quy mô vừa và nhỏ dần hình thành và phát triển, đến nay trên địa bàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi heo, bò và gia cầm tập trung. Tổng lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng không ngừng tăng lên, tính đến đầu năm 2018 tổng lượng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi đạt 256.448 con. Trong đó: đàn gia cầm 250.611con (gà, ngan, vịt 182.111 con; chim cút 68.500 con); đàn gia súc 5.837 con (trâu, bò 2.759 con; heo 2.594 con; dê 484 con). Song song với việc phát triển tổng lượng đàn gia súc gia cầm, công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh được chủ động thực hiện tốt, góp phần hạn chế dịch bệnh, khắc phục rủi ro trong chăn nuôi cho các hộ nông dân.
Về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật: Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày một nâng lên, góp phần đẩy mạnh tăng năng suất, nâng cao chất lượng hàng nông sản, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm công lao động, nhiên liệu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia tăng hiệu quả, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, đặc biệt là đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Kết quả, đã có nhiều giống cây trồng mới được đưa vào khảo nghiệm và đưa ra sản xuất đại trà như: Giống lúa Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BTE 1, RVT, PC6, Hoa ưu 109, OM6976, TH3-3, VT 404, Hương ưu 3068…; các giống ngô lai mới C919, ĐK171, Bioseed 9698, LVN 99, DK 5252, DK 6861…; cùng với đó là các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM, biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, gieo sạ theo hàng, “1 phải 5 giảm”… đã được áp dụng rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng cho cây công nghiệp dài ngày đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Triển khai thực hiện cải tạo vườn cà phê già cỗi, kém năng suất bằng biện pháp cưa gốc ghép chồi, thay thế các giống cũ năng suất thấp bằng các giống mới chất lượng, năng suất cao như giống cà phê vối TRS1, TR4, TR7, TR9…., áp dụng biện pháp canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Đối với cây điều, đã tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng điều và phát triển thêm diện tích điều trong vườn cà phê theo hình thức xen trên địa bàn 2 xã Đăk Ngo và phía nam xã Quảng Tân, sử dụng các giống điều ghép cao sản vào sản xuất như: giống điều ĐDH 102 – 293, AB05-08, AB 29, PL 18, ĐP 41, DDP27, BDD44, PN1…Trên cây hồ tiêu, tăng cường mở rộng diện tích canh tác bồ tiêu hữu cơ bền vững, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trong vườn hồ tiêu (áp dụng theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel). Sản xuất rau xanh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap được người dân quan tâm triển khai thực hiện, đến nay huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng được 3 nhà lưới (qui mô 1.000m2/nhà) phục vụ cho trồng rau xanh ứng dụng công nghệ cao. Đã tiến hành nghiên cứu, phục tráng giống khoai lang Nhật tại địa phương bằng phương pháp nhân giống từ cây nuôi cấy mô.
Trong giai đoạn qua, nhờ tăng cường phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của các hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được nâng lên rõ rệt, đến năm 2018 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3% – 4%/năm. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục:
Ngành chăn nuôi và dịch vụ đang có xu hướng phát triển nhưng trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị nông – lâm – thủy sản. Ngành thủy sản phát triển còn chậm so với tiềm năng, khai thác chưa thực sự hiệu quả diện tích mặt nước hiện có.
Năng suất cây trồng đã được tăng lên nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt được mức năng suất tiềm năng. Tình trạng sử dụng phân, bón thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình, gây lãng phí, ô nhiểm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các hộ nông dân chưa liên kết, hợp tác với nhau được trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến nông sản còn hạn chế; nhiều mô hình điểm đạt hiệu quả cao nhưng chưa nhân ra diện rộng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức: Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, toàn diện góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới; trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành nông nghiệp Tuy Đức phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Về trồng trọt:
Tăng cường đầu tư nhiều hơn cho phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, trước hết là hệ thống thuỷ lợi phục vụ công tác tưới tiêu cho cây trồng.
Đưa các giống cây trồng có năng suất và phẩm chất tốt vào sản xuất, từng bước thay thế những già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp, tiến tới hình thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực cung cấp nông sản hàng hoá cho thị trường.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động của nông dân.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, nhất là đối với kinh tế hợp tác. Tuyên truyền thuyết phục vận động nhân dân tham gia liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Về chăn nuôi: Giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức sản xuất hàng hóa trên địa bàn các xã. Tập trung đẩy mạnh nâng cao tổng lượng đàn bò, hình thành vùng chăn nuôi tập trung gia súc tại xã Quảng Trực, Quảng Tân và Đắk Rtih.
Phân tích: Văn Tuấn