GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » OCOP


Triển khai Đề án “mỗi xã 1 sản phẩm” tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020: Gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực trong thời kỳ hội nhập

Thứ ba - 12/03/2019 14:21

Tháng 5/2018, Chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) đã được Chính phủ phê duyệt triển khai rộng khắp cả nước. Trên cơ sở đó, tháng 12/2018, Đắk Nông đã ban hành Đề án OCOP tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020 để triển khai thực hiện. Đây được xem là cơ sở, tiền đề để gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Trọng Yên

PV. Với tiềm năng, lợi thế của mình, trong triển khai Chương trình OCOP, tỉnh đã xác định những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn nào để xây dựng, phát triển thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Đúng vậy, Đắk Nông được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng để triển khai Chương trình OCOP. Điều này được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Trên cơ sở xác định, đánh giá lại một cách khách quan, khoa học, bảo đảm tính thực tiễn, tỉnh đã xác định xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực, thế mạnh theo từng giai đoạn.

Từ nay đến năm 2020, Đắk Nông sẽ tập trung vào đăng kí, phát triển 15 sản phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau là thế mạnh ở các huyện, thị xã. Cụ thể gồm lúa gạo, xã Buôn Choáh (Krông Nô), hạt mắc Ca (Tuy Đức), tiêu sạch (Đắk Song, Gia Nghĩa, Đắk R’lấp), chanh dây (Gia Nghĩa, Đắk R’lấp), măng cụt, sầu riêng (Gia Nghĩa), bơ (Krông Nô, Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Song), cà phê Đắk Đam, cà phê Hoàng Gia Phú  (Đắk Mil), chè xanh đóng gói (Đắk Glong), thảo dược từ cây đinh lăng, gấc (Cư Jút, Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức), tranh thêu con rồng và bông hoa của HTX đan thêu Thanh Hằng (Krông Nô) và hai sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa tại bon ĐắK R’moan (Gia Nghĩa), buôn Buôr (Cư Jút), Công viên địa chất Đắk Nông.

Chanh dây, sản phẩm tham gia OCOP phát triển tại Đắk R’lấp, Gia Nghĩa (ảnh chanh dây của người dân tại xã Nhân Cơ- Đắk R’lấp)

PV. Có thể thấy các sản phẩm chủ lực về lĩnh vực nông nghiệp được xác định là khá nhiều, vậy tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề gì để bảo đảm sự khả thi cho mỗi sản phẩm?

Ông Lê Trọng Yên: Những năm qua, UBND tỉnh, ngành chức năng, các địa phương đã có những hành động cụ thể để nâng tầm sản phẩm chủ lực nên nhiều loại nông sản đã được nâng cao chất lượng, bước đầu khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng cả nước, phục vụ xuất khẩu. Nhưng nhìn nhận lại, vấn đề phát triển bền vững sản phẩm nông sản chủ lực gắn với OCOP vẫn còn nhiều việc phải làm.  Do đó, tỉnh sẽ tập trung vào xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu ổn định. Làm được điều này, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng “cung không đủ cầu” cho các nhà máy, đơn vị chế biến, sản xuất, hay “cung vượt cầu” làm cho giá cả đi xuống.

Song song đó, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quy hoạch, quản lý, triển khai quy hoạch vùng, nhà máy, cơ sở chế biến theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng giá trị sản phẩm cũng sẽ được chú trọng. Nông sản của OCOP khi ra thị trường sẽ có giá trị cao hơn bởi được đầu tư trong vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sản xuất, chế biến theo công nghệ kỹ thuật cao, đồng đều về mẫu mã, chủng loại. Việc xúc tiến thương mại để tìm các đầu mối lớn tiêu thụ sản phẩm để kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ cũng được tỉnh xúc tiến mạnh mẽ hơn, đi đến hiệu quả cuối cùng. Cơ quan Nhà nước định hướng, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa việc đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá, bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể gắn với phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

  Kinh phí thực hiện Đề án Chương OCOP tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 – 2020 dự kiến hơn 56,1 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh là với khoảng 85 – 90% tổng kinh phí. Ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ được huy động bằng việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các đề án về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…

 

PV. Ngoài các sản phẩm về nông nghiệp thì có hai sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ, du lịch nông thôn sẽ được tỉnh phát triển theo hướng nào, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Có 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch, dịch vụ nông thôn liên quan đến bon Đắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa, buôn Buôr thuộc huyện Cư Jút và Công viên địa chất Đắk Nông. Hai cái tên này thực tế đã nói lên ý nghĩa phát triển của mình theo hướng văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với các yếu tố cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Ở đây nhấn mạnh một chủ thể lớn đó là cộng đồng cùng xây dựng nên sản phẩm mang tính chất như “biểu tượng tinh thần” là tên bon, buôn, không gian địa chất.

Mỗi người dân, hộ dân khi ý thức được, nêu cao trách nhiệm thì sẽ làm nên một cộng đồng với thông điệp chung bảo vệ, bảo tồn, phát triển mạnh mẽ những gì mình có. Trong đó luôn nêu cao tính riêng biệt để làm nên tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, tạo ra sức mạnh, nhất là đối với các hộ dân tộc tại chỗ sẽ xóa bỏ mặc cảm tự ti, nghèo đói, khơi gợi phát triển. Khi có điều này, bất kỳ một sản phẩm nào của OCOP đều được thúc đẩy gia tăng giá trị, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của xã hội.

Thành công của OCOP cũng đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là động lực cho tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn mà Chính phủ đã phát động.

PV. Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn

 

 

 

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn