»
QUY HOẠCH- HẠ TẦNG KINH TẾ
Huyện Cư Jút phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 24/11/2020 20:08Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm” ở huyện Cư Jút được phát triển rộng khắp. Qua tuyên truyền vận động đã có hàng ngàn hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn ở huyện Cư Jút ngày càng khởi sắc.
Xác định đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong “Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”. Vì vậy, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Cư Jút xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức rà soát, lập quy hoạch và đề xuất các tuyến đường ưu tiên đầu tư.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Huyện Cư Jút còn chủ động trong việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp của người dân để triển khai thực hiện. Địa phương đã thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Theo đó, tất cả những hoạt động có liên quan đến đời sống dân sinh đều được đưa ra công khai trước dân, do chính người dân ở thôn, xã bàn bạc một cách dân chủ rồi quyết định tổ chức thực hiện. Còn chính quyền chỉ đóng vai trò định hướng, đặt ra các cơ chế, chính sách và các biện pháp hỗ trợ để người dân thực hiện các chủ trương chung.

Người dân tham gia làm đường GTNT
Do được sự đồng thuận cao của người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công rất thuận lợi. Giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường. Người dân nơi đây đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với phương châm đó, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở xác định những việc làm đều phải phù hợp với ý muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, phong trào hiến đất làm đường GTNT ở các khu dân cư đã được sự hưởng ứng của tất cả người dân. Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến nay huyện Cư Jút đã có 167,7km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, chiếm 70,3% tổng số đường GT trong huyện. Trong đó kiên cố hóa đạt 47%. Hiện toàn huyện có 5/7 xã đã hoàn thành tiêu chí về giao thông.

Một góc nông thôn hôm nay ở xã Tâm Thắng
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020 toàn huyện đã huy động được gần 250 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM; trong đó nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp gần 44 tỷ đồng, còn lại ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đến nay, khu vực trung tâm xã Nam Dong đã được công nhận đô thị loại 5; thị trấn Ea T’Ling được công nhận đô thị loại 4. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay bình quân mỗi xã đạt 17,14 tiêu chí, tăng 2,14 tiêu chí so với năm 2018; toàn huyện có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 02 xã là Ea Pô và Cư K’Nia đạt chuẩn, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 6/7 xã. Có thể khẳng định: thành công từ phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM ở Cư Jút là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đây là chìa khóa để huyện thực hiện thành công chủ trương của Đảng trong thực hiện xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Một góc Trung tâm huyện Cưjút hôm nay
Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nghiêm Hồng Quang: Để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2025, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã, mở mới và bê tông hóa các tuyến đường dân sinh, làm đường GTNT gắn với xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm đến 2025 trở thành huyện nông thôn mới, có từ 2-3 xã đạt nông thôn mới nâng cao; xã Nam Dong thành thị trấn – đô thị loại V; thị trấn Ea T’Ling phát triển theo định hướng thị xã – đô thị loại IV đến năm 2030.
Tác giả: Hữu Phương