»
TIN NỔI BẬT
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Sơ kết 03 năm thực hiện Tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Thứ hai - 22/10/2018 13:42Ngày 16 tháng 10 năm 2018, tại Thành phố Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và tham vấn xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn.
Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN&MT, Thành viên BCĐ Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tới dự Hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Tổng Cục môi trường, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện các Công ty sản xuất các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn), tăng 473 xã so với cuối năm 2017. Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 0,15 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Đối với cấp huyện đã có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 10 đơn vị cấp huyện so với năm 2017. Về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm thì cả nước đã có 4.893 xã (54,8%) đạt tiêu chí này; có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp. Đến nay cả nước đã có khoảng 34 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh,…Việc triển khai tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm đã góp phần đưa quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến với người dân từ đó góp phần nâng nhận thức về hành vi bảo vệ môi trường trong cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn và tỷ lệ các xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ngày càng tăng lên.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo tham luận của các ngành: Tổng quan về chính sách quản lý chất thải rắn tại Việt Nam của Tổng cục Môi trường; Tổng kết thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng kết về chương trình đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn và kinh nghiệm thu được của Bộ Xây dựng và đặc biệt nghe Công ty TNHH Tân Thiên Phú giới thiệu về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
Sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các báo cáo tham luận và các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị; Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ trì Hội nghị kết luận:
Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện và có tính chất biến động rất cao, kết quả đạt được của tiêu chí này hiện nay vẫn còn thấp và đang đứng ở nhóm cuối của kết quả đạt các tiêu chí. Do đó, để thực hiện hiệu quả tiêu chí này trong thời gian tới thì các địa phương, các cấp các ngành phải tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp, từ đó góp phần xây dựng nông thôn đạt kết quả cao và bền vững.
Trong quá trình thực hiện phải nghiên xây dựng các cơ chế chính phù hợp để thực hiện các nội dung của tiêu chí này. Trong đó, cần có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp vào công tác vệ môi trường nông thôn.
Trong quá trình thực hiện các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn thì các địa phương phải căn cứ vào nguồn lực, tình hình thực tế ở địa phương (khối lượng rác thải, loại rác thải, địa hình,…) để lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả./.
Ảnh, bài: Văn Tuấn.