»
TIN NỔI BẬT
Đắk Nông: Kết quả và giải pháp để tập trung phấn đấu đưa huyện Đắk R’lấp đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Thứ ba - 02/10/2018 08:16Huyện Đắk R’lấp là huyện nằm về phía Tây Nam của tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp huyện Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa; phía Bắc giáp huyện Tuy Đức; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Bình Phước, là cửa ngõ của Đắk Nông thông thương với vùng kinh tế lớn Đông Nam Bộ – Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện có 10 xã thực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với với 110 thôn, bon, buôn. Tổng diện tích tự nhiên là 63.457,79 ha, dân số 90.549 nhân khẩu, có khoảng 25 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện. Ngay từ những ngày đầu, Huyện ủy, UBND, Ban chỉ đạo huyện đã xác định việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Chính vì vậy sau hơn 07 năm triển khai thực hiện Chương trình huyện đã đạt được những kết quả nổi bật:
|
Về công tác tuyên truyền, vận động: Thời gian đầu thực hiện Chương trình thì gặp rất nhiều khó khăn, vì đa số cán bộ và người dân còn mơ hồ, chưa hiểu đúng về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và người dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được huyện thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, tiêu biểu như: Hàng năm UBND huyện đã phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng năm an toàn giao thông; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện phát động các phong trào: hướng dẫn cho các xã thành lập các tổ nhóm thanh niên lập nghiệp, phong trào trồng cây xanh, tổ chức các trận giao lưu bóng đá – văn nghệ, xây dựng tiểu phẩm văn nghệ về tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; Hội người cao tuổi phát động phong trào “Tuổi cao gương sáng”; Hội liên hiệp phụ nữ huyện phát động phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình” và nhiều phong trào khác liên quan tới xây dựng nông thôn mới….
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước đã tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số nguồn vốn trên 4.177,33 tỷ đồng đầu tư vào địa bàn huyện để xây dựng nông thôn mới trong hơn 07 năm qua thì vốn của người dân đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau được trên 973,1 tỷ đồng, chiếm 23,3%; điều này đã thể hiện rõ sự hiệu quả về công tác tuyên truyền, vận động của huyện Đắk R’lấp trong 07 năm qua.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm qua đã được đầu tư và có những bước phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; các tuyến đường ngõ xóm, liên thôn được bê tông hóa ngày càng nhiều; các công trình thể thao được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phát triển thêm loại hình dịch vụ như sân bóng đá mini nền cỏ nhân tạo đã xuất hiện ở các xã; nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố ngày càng nhiều….Điểm nổi bật nhất trong 07 năm qua là đã huy động được nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng chợ nông thôn; trong 07 năm qua đã huy động hơn 130 tỷ đồng để xây dựng 04 chợ Nhân Cơ, Nhân Đạo, Quảng Tín, Nghĩa Thắng; từ đây mang lại các hiệu quả khác về mặt xã hội cho người dân trên địa bàn huyện.
Về công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng đầu tư; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế đã xuất hiện như: Mô hình trồng Thanh long ruột đỏ tại xã Đăk Wer, quy mô 02ha, doanh thu khoảng 01 tỷ đồng/năm; Mô hình trồng Cam sành tại xã Nhân Cơ; Mô hình trồng nấm mèo, bào ngư, nấm trắng tại thôn 3 xã Kiến Thành; Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Hào Quang tại thôn 2, xã Đăk Wer; Mô hình sản xuất tiêu sinh thái của HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận tại thôn 6, xã Nhân Cơ; Mô hình trồng cỏ chất lượng cao xen trong vườn cao su kinh doanh để nuôi bò, cho năng suất gấp 1,5 lần trồng cỏ thông thường đem lại hiệu quả kinh tế cao và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị…từ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, thu nhập trung bình của người dân ngày càng tăng lên, đến nay đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 8,6%/năm (Nếu tính thu nhập từ sản phẩm Alumin Nhân Cơ thì thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 9,9%/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,06% năm 2011 xuống còn 6,5% năm 2017 (giảm 11,56%), các hộ khá, giàu tăng lên, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và môi trường trong những năm qua được quan tâm thực hiện và từng bước ổn định. Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ và có hiệu quả; người dân tham gia các hình thức Bảo hiểm y tế tương đối cao, có 66.246/88.329 người tham gia bảo hiểm đạt 75%. Giáo dục đào tạo có bước phát triển khá, chất lượng không ngừng nâng cao; có 10/10 xã đạt phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, chiếm tỷ lệ 100%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 40%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chiếm 89%; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 đến hết 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS trên 82%. Triển khai mạnh mẽ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được đa dạng hóa và phong trào sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được quan tâm thực hiện và từng bước ổn định. Vấn đề bảo vệ môi trường được người dân ý thức thực hiện có hiệu quả; đến nay có 90% số hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
|
Qua sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện, đến 30/6/2018 bình quân chung toàn huyện đạt 14,8 tiêu chí/xã, cao nhất so với các huyện, thị xã khác của tỉnh; huyện đã có 05 xã đạt 19 tiêu chí và đã được chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và trong năm 2018 phấn đấu có thêm từ 2-3 xã đạt chuẩn. Trong năm 2019-2020 phấn đấu đạt chuẩn các xã còn lại và đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc:
Một số ít cán bộ và người dân hiểu chưa đầy đủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới, thiếu sự quan tâm, đang xem chương trình là dự án và có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; một số ngành chưa thực sự chủ động vào cuộc và cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình còn ít so với nhu cầu, chưa khai thác tối đa các nguồn lực trong xã hội, cộng đồng để chung tay xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các xã còn tập trung nhiều vào xây dựng cơ bản, quan tâm chưa đúng mức cho phát triển văn hóa – xã hội và môi trường.
Sản xuất nông nghiệp còn phát triển theo quy mô hộ gia đình, các tổ chức kinh tế tập thể phát triển chưa mạnh; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản phụ thuộc vào thị trường tự do, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa cao.
Trong công tác tuyên truyền, vận động ở một số đơn vị thực hiện chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thiếu chiều sâu; phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương đôi lúc chưa thực sự sôi nổi.
Để phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk R’lấp đã đề ra các giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo chương trình: Định kỳ tổ chức họp Ban Chỉ đạo huyện để tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai rà soát năng lực các thành viên Ban chỉ đạo nhằm củng cố bộ máy tổ chức phù hợp với công việc. Kiểm tra, đôn đốc việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tại các xã. Cập nhật và phổ biến các văn bản chỉ đạo của các cấp đến các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn để cả hệ thống chính trị – xã hội tích cực tham gia thực hiện Chương trình tốt hơn nữa. Ngoài tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung tuyên truyền trong các hội, chi hội, các đoàn thể chính trị, làm cho tất cả các thành viên đều hiểu và hăng hái tham gia. Xây dựng kế hoạch, tài liệu, giảng viên và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền cho giai đoạn 2018-2020.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Triển khai xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Củng cố các HTX đã có, tổ chức giải thể những HTX hoạt động yếu kém, tiếp tục hướng dẫn các xã thành lập HTX, đến năm 2020 sẽ thành lập 30 HTX mới hoạt động có hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đặc biệt là có những cơ chế, chính sách định hướng cho người dân quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao đáp ứng với tình hình mới của thị trường trong nước cũng như quốc tế sau khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: Vận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án và phát huy nội lực của địa phương, của nhân dân cho xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn mới. Căn cứ vào các nguồn lực tập trung ưu tiên xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh như tổ chức bê tông hóa đường giao thông nông thôn; cứng hóa đường làng ngõ xóm; bê tông và cứng hóa các trục chính nội đồng, kênh mương nội đồng do xã quản lý với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm; Tiếp tục huy động vốn nâng câp, xây dựng mới một số chợ. Tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có.
Nâng cao chất lượng về văn hoá, xã hội, hệ thống chính trị, an ninh trật tự: Chỉ đạo các xã xây dựng hương ước, nội quy, quy ước làng xóm về trật tự an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các thủ tục lạc hậu có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Thành lập tổ vệ sinh môi trường dưới hình thức tự quản; tuyên truyền vận động nhân dân thu gom rác thải đúng nơi quy định, tuyên truyền trong gia đình và mọi người xung quanh đóng góp vật chất, công lao động vào việc xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch đẹp.
Đưa nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào các trường học, vào các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, phát động thi đua trong việc xây dựng nếp sống văn hoá người tốt việc tốt, giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng, thôn, xóm.
Cơ chế huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình: Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác trên địa bàn để thực hiện. Đẩy mạnh công tác thu hút các doanh nghiệp hướng vào đầu tư phát triển ở khu vực nông thôn, tăng cường đào tạo nghề cho con em nông dân, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ vật tư, thương mại, dịch vụ vận tải…tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động ở nông thôn, đảm bảo giải quyết tốt tình trạng lao động thiếu trình độ, thiếu việc làm.
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình cùng với các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của cộng đồng nhân dân trong xã.
Tăng cường công tác tín dụng Ngân hàng và thông qua đó kiến nghị
Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất hợp lý giúp cho nông dân vay vốn phát
triển kinh tế trang trại, đầu tư cơ giới hoá trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững.
Ngoài việc tập trung nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các xã giữ vững và nâng cao chất lượng của những tiêu chí đã đạt. Rà soát, lập kế hoạch cụ thể của từng tiêu chí để đăng ký với Ban Chỉ đạo huyện; theo đăng ký của các xã thì lộ trình phấn đấu như sau: năm 2018 có 03 xã đạt chuẩn, năm 2019 có 02 xã đạt chuẩn, năm 2020 huyện Đăk R’lấp phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân trên địa bàn huyện và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh cùng với kế hoạch, lộ trình thực hiện có căn cơ, phù hợp với thực tế hi vọng rằng huyện Đắk R’lấp sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới như kế hoạch đề ra.
Phân tích: Văn Tuấn