GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » TIN NỔI BẬT


Sẽ kiểm điểm trách nhiệm chậm giao, giải ngân vốn đầu tư công

Thứ tư - 19/07/2017 14:21
Mặc dù trong nhiều năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn thực hiện các giải pháp phối hợp để đẩy nhanh tiến độ triển khai giao, giải ngân vốn đầu tư công nhưng tình hình vẫn cứ “điệp khúc” chậm. Tình trạng này nếu không được làm rõ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Việc giải ngân vốn đầu tư chậm và năng lực nhà thầu yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ triển khai Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ (Đắk R’lấp) diễn ra ì ạch. Ảnh: Lê Phước

“Điệp khúc” chậm

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu Chính phủ) là 307.150 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, tổng số vốn đã giao đạt gần 99% kế hoạch. Số vốn còn lại Bộ Kế hoạch-Đầu tư chưa giao là hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó chủ yếu bao gồm 3.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (hiện Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan).

Đối với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tình hình giao vốn khó khăn hơn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và hơn 16.400 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017. Qua 6 tháng, vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng. Nguyên nhân giao chậm trễ vốn TPCP là do quy định, điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm cho dự án khởi công mới là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30/10 của năm trước năm kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2017 rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định (cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%). Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng TPCP để huy động vốn cho thực hiện các công trình, dự án, nhưng việc giải ngân lại đang chậm trễ.

Tại Đắk Nông, báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng cho thấy, tình hình triển khai vốn đầu tư công vẫn tiếp tục “điệp khúc” chậm như mọi năm. Tính đến hết tháng 6/2017, tổng vốn giải ngân thực hiện được 604,967 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân được 225,23 tỷ đồng, đạt 43,93% kế hoạch. Nguyên nhân phần vốn còn lại chưa giải ngân là do đến cuối tháng 6/2017, các dự án mở mới mới hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu nên chưa có khối lượng giải ngân. Trong khi, các dự án bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành mới giải ngân kế hoạch vốn năm 2017…

Nguồn vốn các chương trình mục tiêu cũng mới giải ngân được 235,889 tỷ đồng, đạt 51,88% kế hoạch. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 119,599 tỷ đồng, đến nay chưa có khối lượng giải ngân. Nguyên nhân là đến ngày 19/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch năm 2017 của nguồn vốn này. Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 58,599 tỷ đồng đến nay chưa được phân bổ, do đến ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Còn riêng nguồn vốn nước (ODA) có phần nhanh hơn khi đã tiến hành giải ngân được 113,847 tỷ đồng, đạt 72,49% kế hoạch.

Do thiếu vốn đầu tư nên tỉnh lộ 1 chỉ được thi công sửa chữa đối với các đoạn đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Lê Phước

Sẽ quy trách nhiệm để vốn giải ngân chậm trễ

Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện trong 6 tháng đầu năm và xây dựng nghị quyết của Chính phủ để thúc đẩy nhiệm vụ có ý nghĩa rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã bày tỏ sự không hài lòng khi tiến độ giao vốn và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2017 đang rất chậm trễ. Phó Thủ tướng cho rằng điều này đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Chính phủ không chấp nhận giảm vốn trái phiếu Chính phủ để tăng vốn ODA hay vốn khác trong năm 2017. Đồng thời, Bộ Kế hoạch-Đầu tư hoàn tất các thủ tục trước ngày 15/7 để giao vốn đợt 2 cho các công trình, dự án.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu Văn phòng Chính phủ soạn thảo công văn truyền đạt tới tất cả các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan tới đầu tư công như luật Đầu tư công, luật Xây dựng, luật Đấu thầu, luật Bảo vệ môi trường… để xác định rõ các bất cập, nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể khiến giải ngân đầu tư công chậm trễ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai, ngành, bộ nào giao vốn chậm.

Có thể nói, tốc độ phát triển kinh tế của nhiều địa phương, trong đó có Đắk Nông hiện nay phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư công. Vì thế, việc làm rõ trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giao vốn, giải ngân vốn trong thời gian tới có vai trò rất quan trọng.

  Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Ðầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể khiến giải ngân đầu tư công chậm trễ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai, ngành, bộ nào giao vốn chậm.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/se-kiem-diem-trach-nhiem-cham-giao-giai-ngan-von-dau-tu-cong-54866.html

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn