»
TIN NỔI BẬT
Triển khai mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2023
Thứ năm - 02/02/2023 10:25
Năm 2023, ngành thủy sản của tỉnh phấn đấu diện tích thả nuôi đạt 1.912ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7.480 tấn. Nhằm đảm bảo phát triển sản xuất, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu của ngành, ngày 13/01/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn số 94/SNN-PTNN đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố Gia Nghĩa; Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Trung tâm Giống thủy sản chuẩn bị tốt con giống, vật tư đầu vào, điều kiện kỹ thuật để đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2023, trong đó tập trung vào việc triển khai các nội dung sau:
Thực hiện quan trắc môi trường nước khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè
- Về sản xuất, cung ứng giống thủy sản: Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn, con giống thả nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
– Rà soát, kế hoạch sản xuất và nhu cầu con giống chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất giống đảm bảo cung ứng giống thủy sản chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm.
– Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất con giống, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản tại chỗ nhằm cung cấp cho các cơ sở nuôi con giống thủy sản tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Về sản xuất, cung ứng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
– Khuyến cáo người nuôi không sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh không được phép dung trong nuôi trồng thủy sản.
– Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng trong sản xuất, lưu thông và xử lý nghiêm các vi phạm trong sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh không được phép dung trong nuôi trồng thủy sản.
- Về nuôi trồng thủy sản
Đối với nuôi ao, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi tập trung thu hoạch vụ nuôi năm 2022, tiến hành cải tạo, tu bổ ao để chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2023. Chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong cải tạo ao, vệ sinh lồng bè và kỹ thuật nuôi để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, trong đó lưu ý tập trung vào các nội dung sau:
– Hướng dẫn người nuôi thực hiện công tác đăng ký, cấp Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thu hành Luật Thủy sản.
– Thời vụ thả nuôi
Hướng dẫn người dân quản lý thả giống theo mùa vụ nhưng không dồn vào một thời điểm để khắc phục áp lực về giống, tình trạng thiếu nước và tránh thu hoạch tập trung số lượng quá lớn sẽ khó tiêu thụ sản phẩm và bị rớt giá. Làm tốt công tác thuỷ lợi để đảm bảo có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.
Hướng dẫn người nuôi tiến hành cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật nhằm tránh dịch bệnh và những thiệt hại không đáng có khác; xử lý nước đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi; khi môi trường nước ao nuôi đạt yêu cầu kỹ thuật mới được thả giống.
Thời điểm thả cá tùy thuộc vào mực nước trong các ao hồ (thường thả giống vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch)). Khuyến cáo người dân không nên thả giống trước tháng 5 (khi mực nước chưa ổn định); đối với những diện tích phải thả vào sau tháng 8 nên thả những giống ngắn ngày như Rô phi, Diêu hồng,… hoặc cá giống có kích thước lớn (cá gối 2 vụ) để kịp thời vụ cho thu hoạch cuối năm và tránh thiệt hại trong mùa mưa lũ. Đối với nuôi lồng bè, thả giống lớn và thả nuôi quanh năm theo hình thức gối vụ.
– Con giống
Giống thuỷ sản lưu thông trên thị trường phải được kiểm dịch (lưu thông ngoại tỉnh) theo quy định, có nguồn gốc rõ ràng; khuyến cáo người dân không mua giống thủy sản trôi nổi trên thị trường.
Đối với nuôi ao: Cỡ giống thả dao động từ 8 – 30g/con (tùy loài), thả với mật độ 10-30 con/m2 (đối với nuôi đơn) hoặc 3-7 con/m2/loài (đối với nuôi ghép) (áp dụng đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh); mật độ 3-5 con/m2 (áp dụng đối với nuôi quảng canh, quảnh canh cải tiến).
Với những vùng nuôi không thuận lợi thường xẩy ra dịch bệnh như bệnh đốm đỏ, bệnh xuất huyết do virut ở cá trắm cỏ; bệnh virut mùa xuân ở cá chép… nên khuyến cáo người dân thay đổi đối tượng nuôi mới (như nuôi cá rô phi, cá diêu hồng…); lựa chọn hình thức nuôi phù hợp, không thả giống quá nhỏ và không nuôi với mật độ quá dày.
Đối với nuôi lồng, bè: có thể nuôi quanh năm; thả giống cỡ lớn: Khoảng trên 100g/con (đối với cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi) và trên 30g/con (đối với cá rô phi, diêu hồng, cá lóc bông, cá lăng). Trong quá trình nuôi cần phải định kỳ vệ sinh lưới lồng nhằm hạn chế thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra; nên có lưới dự phòng để thuận lợi cho việc vệ sinh lồng nuôi. Lưới lồng và các phụ kiện của lồng phải được tẩy rửa và phơi khô trước khi đưa vào vụ nuôi mới.
Hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông Krông Nô
Đối với những vùng nuôi cá tập trung, hướng dẫn người dân cần tổ chức theo nhóm, tổ hợp tác để quản lý sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Xử lý cá giống trước khi thả: trước khi thả cá cần tắm cho cá bằng nước muối (nồng độ 2-3%) trong 10-15 phút để khử trùng tác nhân gây bệnh ngoại ký sinh. Mặt khác, tránh để cá bị “sốc” do chênh lệch nhiệt độ giữa nước ao và nước chứa cá: Khi thả cá xuống ao nuôi, để đảm bảo an toàn cho cá, cần chú ý cân bằng nhiệt độ nước giữa 2 môi trường, nhất là cá giống vận chuyển đường xa trong mùa hè có nhiệt độ cao. Cách làm: ngâm túi cá xuống ao từ 5-10 phút trước khi thả. Thả cá: mở giây buộc túi,hai tay ấn dìm một nửa miệng túi xuống nước, cho nước ngoài ao từ từ vào túi, khi thấy cá khoẻ, bơi ngược dòng nước thì thả cá ra ao. Chú ý thả cá ở đầu gió cho cá phân tán nhanh ra ao và không nên vứt cá xuống ao.
– Quản lý và chăm sóc
– Cho cá ăn đầy đủ để cá lớn nhanh.
– Giữ nước trong sạch bằng cách: Không cho cá ăn thừa, vớt sạch rác và các loại cây mà cá trắm không ăn được, bón phân chuồng đã ủ kỹ.
– Theo dõi chất lượng nước hàng ngày; theo dõi màu nước để quyết định tăng hay giảm lượng thức ăn và phân bón.
– Khi trời nắng oi bức, màu nước quá đậm cá dễ nổi đầu do thiếu oxy vào lúc nửa đêm về sáng, cần cấp thêm nước mới vào ao và tạm ngừng cho ăn, bón phân cho đến khi cá trở lại bình thường.
– Bảo vệ cá, tránh thất thoát trong mùa mưa lũ (rào lưới, tu sửa bờ ao)./.
Tin, ảnh: TT-CCPTNN