GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » TIN NỔI BẬT


Từ đói nghèo, lạc hậu, Nam Bình trở thành xã năng động, phát triển

Thứ ba - 10/04/2018 13:29
Sau 20 năm thành lập, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Nam Bình (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã từng bước khởi sắc, người dân có cơ hội phát triển, vươn lên.
Quốc lộ 14 đi qua địa bàn là điều kiện để Nam Bình phát triển thương mại, dịch vụ

Đời sống người dân được cải thiện

Theo lãnh đạo địa phương, hiện toàn xã có hơn 2.980 hộ dân với 11.127 khẩu. Ngày mới thành lập, xã Nam Bình có xuất phát điểm thấp, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Trên cơ sở xác định thế mạnh của mình, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Phong trào thi đua sản xuất ngày càng phát triển mạnh mẽ, nên đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Điển hình như gia đình bà Trần Thị Dứa ở thôn 8 đã liên kết với Công ty cổ phần CP chăn nuôi heo. Trung bình  cứ 4 tháng, gia đình bà Dứa lại xuất bán hàng nghìn con heo thịt, mang về nguồn thu nhập lớn. Bà Dứa cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi heo theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn về đầu ra và bị thương lái ép giá. Khi gia đình bắt tay với doanh nghiệp, việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi hơn, không phải lo nghĩ về đầu ra, giá cả lại ổn định. Hàng năm, gia đình tôi đều có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng”.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Mạnh Tường ở thôn 1 có 3 ha cà phê, hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững, mỗi năm có nguồn thu ổn định khoảng 500 triệu đồng. Anh Tường cho biết: “Ngày trước, vì giao thông đi lại khó khăn nên những sản phẩm làm ra phải chở ra huyện Đắk Mil mới có người mua, thường bị ép giá thấp. Từ khi địa phương đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn, quốc lộ14 được mở rộng, sản phẩm làm ra luôn có người đến tận rẫy thu mua. Không chỉ nhà tôi mà nhiều gia đình khác có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập hơn”.  

Hầu hết các hộ dân ở khu vực thôn 1 trước đây đều khó khăn, có hộ đã bỏ đi nơi khác làm ăn. Thế nhưng, những hộ bám trụ ở lại, với sự chịu khó, cần cù và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay hầu hết đã trở nên khấm khá.

Hồ tiêu là một trong những cây trồng thế mạnh của Nam Bình, đem lại thu nhập ổn định cho người dân

Khi hạ tầng được quan tâm

Không chỉ quan tâm phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, địa phương chú trọng phát triển hạ tầng, phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Theo nhiều người dân kể lại, trước kia muốn mua các loại vật tư, vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày phải đi gần 30 cây số ra huyện Đắk Mil. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn xã đã có chợ cùng nhiều đại lý phân phối, với các nhãn hiệu nổi tiếng đều tập trung về đây, đáp ứng như cầu nhân dân.

Riêng lĩnh vực giáo dục, đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng; cơ sở trường, lớp được đầu tư xây dựng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Nếu khi mới thành lập, toàn xã chỉ có 1 trường tiểu học thì đến nay đã có 7 trường học kiên cố với đủ 3 cấp học, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường đạt 98%. Trạm y tế xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện tốt, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

  Kinh tế phát triển là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt công tác thu ngân sách, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, tổng thu ngân sách của xã đạt 18 tỷ đồng, bảo đảm một phần cho việc tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xã. Bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm, tăng gấp 22 lần so với ngày mới thành lập. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 5,5%. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 80% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoặc cấp phối, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được dễ dàng. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Những con số ấn tượng

Với việc quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2017, tăng trưởng kinh tế của xã đạt mức 13%. Cơ cấu các ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.

Đến nay, toàn xã có hơn 4.500 ha cây công nghiệp và diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt gần 2.300 ha; năng suất, sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng; riêng năm 2017, sản lượng cà phê nhân đạt 5.700 tấn, hồ tiêu đạt 6.600 tấn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 300 tỷ đồng, chiếm 80% tỷ trọng nền kinh tế. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị. Đến nay trên địa bàn xã có 44 công ty, doanh nghiệp, hơn 300 hộ kinh doanh cá thể.  

Theo ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Bình, chính nhờ bàn tay và khối óc của hàng ngàn hộ dân kinh tế mới đã biến xã Nam Bình từ một vùng đất hoang vu, đói nghèo, lạc hậu trở thành một trong những xã có nền kinh tế, xã hội phát triển nhất của huyện. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ hơn nữa các giải pháp, nhất là chú trọng việc khơi dậy sức dân để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn xã phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ đạt 15 tiêu chí và đến 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn