GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » TIN TỔNG HỢP NÔNG THÔN MỚI


ĐẮK NÔNG BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thứ ba - 18/10/2022 14:50

 

 

          Ngày 18 tháng 10 năm 2022, ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký ban hành Quyết định số 1700/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Thành phố Gia Nghĩa, đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận  hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

          Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có tác động rất mạnh mẽ tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; kết quả đạt được của Chương trình theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của các xã ngày càng tăng cao; đến nay, thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2022; toàn tỉnh đã có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,3%; bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; có 02 huyện đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn (huyện Đắk R’lấp và huyện Cư Jút). Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng với sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

          Nhằm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa, đạt được kết quả theo chiều sâu và có tính bền vững; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu cho trung ương và tỉnh đã đề ra; ngày 18 tháng 10 năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1700/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

          Đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025:

– Phấn đấu có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

– Phấn đấu có thêm ít nhất 2-3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

– Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 30% trong đó trên 10% từ hệ thống cấp nước tập trung;

– Tỷ lệ hộ dân nông thôn có công trình thu gom nước thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh 30%;

– Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 35%;

– Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đảm bảo quy định đạt 80% trở lên;

– Tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế đạt từ 93% trở lên;

– Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm

– Bình quân mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Để thực đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện: (1) Nhóm nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của Tỉnh ủy tại Nghị quyết 12-NQ/TU; (2) Nhóm nhiệm vụ thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới; (3) Nhóm nhiệm vụ thực hiện các Chương trình trọng điểm; (4) Nhóm nhiệm vụ các khâu đột phá.

Đồng thời cũng đã đề ra 03 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện: (1) Nhóm giải pháp chung, gốm: giải pháp về tuyên truyền, vận động; giải pháp về quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về kết nối nông thôn với phát triển đô thị; giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực; giải pháp về tổ chức bộ máy và giám sát; giải pháp về giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn; giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; giải pháp phát triển sản phẩm OCOP; giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. (2) Nhóm giải pháp theo từng đối tượng xã, huyện: Đối với 35 xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2010-2020; Đối với 25 xã chưa đạt chuẩn, các huyện khó khăn; Đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn và (3) Nhóm giải pháp theo từng nhóm tiêu chí.

Tổng nhu cầu nguồn lực thực hiện Đề án khoảng 103.488,978 tỷ đồng;  trong đó: (1) Ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp Chương trình 934,322 tỷ đồng; trong đó: ngân sách Trung ương 467,161 tỷ đồng (ĐTPT 377,56 tỷ đồng, sự nghiệp 89,601 tỷ đồng); ngân sách địa phương 467,161 tỷ đồng (ĐTPT 377,56 tỷ đồng, sự nghiệp 89,601 tỷ đồng)), chiếm 0,9%; (2) Vốn lồng ghép các chương trình, dự án 5.400,074 tỷ đồng, chiếm 5,2%; (3) Vốn huy động doanh nghiệp 354,982 tỷ đồng, chiếm 0,3%; (4) Vốn tín dụng thương mại 96.562 tỷ đồng, chiếm 93,4%; (5) Vốn huy động nhân dân: 237,6 tỷ đồng, chiếm 0,2%.

Để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, Chủ tich UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên triển khai thực hiện Đề án; đồng thời theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án./.

Bài, ảnh: Văn Tuấn

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn