GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » TIN TỔNG HỢP NÔNG THÔN MỚI


Những điểm tích cực và hạn chế của Bộ tiêu chí nông thôn mới

Thứ sáu - 22/11/2019 20:18
 

Theo Bộ NN&PTNT, Bộ tiêu chí NTM có các chỉ tiêu cụ thể trên hầu hết các lĩnh vực đối với phát triển nông thôn; có các mức độ từ đạt chuẩn cho đến nâng cao, kiểu mẫu; áp dụng cho cấp huyện, cấp xã và định hướng cho cấp thôn, bản ở khu vực khó khăn; các địa phương còn chủ động xây dựng tiêu chí NTM áp dụng đến từng khu dân cư, hộ gia đình và thậm chí là cả khu vườn, con đường NTM. 

 
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ tiêu chí NTM vẫn còn nhiều hạn chế

Thực tiễn triển khai Chương trình cho thấy, nhờ có tiêu chí NTM các địa phương xác định được các mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với khả năng thực hiện và dành sự quan tâm hài hòa trên các lĩnh vực. 

Bộ tiêu chí NTM là căn cứ để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, là cơ sở để xác định nội dung và phân công vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành các cấp.

Kết quả xây dựng NTM phản ánh qua Bộ tiêu chí cho thấy những chuyển biến của Chương trình, đồng thời giúp nhận diện được những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện, để có những đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng cơ chế, chính sách, cách làm phù hợp, hiệu quả.

Khi Chương trình NTM đã được triển khai trên phạm vi cả nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thì việc tích hợp các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan vào Bộ tiêu chí NTM sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương tăng cường được công tác theo dõi, đánh giá và tổ chức thực hiện, đặc biệt là gắn xây dựng NTM với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào tiêu chí NTM… Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ tiêu chí NTM vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, tiêu chí NTM còn chưa phù hợp đối với các vùng miền có đặc thù tự nhiên, kinh tế – xã hội khác nhau: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hiện phân theo 7 vùng sinh thái, trong khi đó ngay trong nội vùng, nội tỉnh cũng có sự khác biệt rất lớn về điều kiện tự nhiên giữa các địa bàn miền núi, đồng bằng, ven biển và hải đảo; hoặc sự khác biệt về KT – XH giữa vùng ven đô, vùng dân tộc thiểu số, khu vực làng nghề, vùng thuần nông, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn…

Tiêu chí NTM chưa phản ánh được đầy đủ những vấn đề cần quan tâm ở nông thôn: Có những tiêu chí dễ hoàn thành (như tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên) và khó hoàn thành (như tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, môi trường), trong khi đó vấn đề việc làm cho lao động nông thôn luôn là một bài toán còn nan giải. Vấn đề ở đây là nội dung và định mức quy định đạt chuẩn chưa hài hòa giữa các tiêu chí, nên tiêu chí NTM mới chỉ là công cụ đánh giá kết quả thực hiện của từng địa phương, chưa trở thành thước đo đánh giá thực trạng phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, tiêu chí NTM chưa gắn liền với tất cả các mục tiêu phát triển bền vững: Tuy một số nội dung về biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, bình đẳng giới,… đã được quan tâm lồng ghép vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, song còn nhiều nội dung liên quan đến các cam kết của Việt Nam về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa được tích hợp. Với địa bàn nông thôn rộng và phần lớn dân cư sống ở nông thôn, cần thiết phải nghiên cứu để lồng ghép thêm các mục tiêu phát triển bền vững với các tiêu chí NTM, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững chung của cả nước.

Ngoài ra, chưa có tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá yếu tố con người, yếu tố chủ thể của người dân, cộng đồng. Mặc dù đã có tới 19 tiêu chí và 49 chỉ tiêu, nhưng yếu tố con người trong xây dựng NTM vẫn còn mờ nhạt. Yếu tố con người cần được phản ánh trong Bộ tiêu chí ở khía cạnh vai trò chủ thể của người dân, sự tham gia đóng góp của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM, của tổ chức nhỏ nhất là hộ gia đình nông thôn.

“Mặc dù xuất phát từ thực tế, chúng ta đang có các tiêu chí hộ gia đình văn hóavà tiêu chí gia đình“5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM. Các quy định/hướng dẫn này được các địa phương cụ thể hóa thành một số tiêu chí, nhưng mới chỉ bám theo một số định mức cơ bản, tập trung vào một hoặc một vài chủ đề nhất định. Bên cạnh hạn chế là tính hình thức (tỷ lệ hộ đạt tiêu chí rất cao, chưa tạo ra những điển hình nổi bật, toàn diện, để làm kiểu mẫu cho các hộ khác học tập và làm theo),cách làm hiện nay còn gây ra sự trùng lặp về chỉ tiêu đánh giá, phải tổ chức nhiều hoạt động đánh giá, một hộ gia đình có thể nhận được nhiều chứng nhận (gia đình văn hóa, gia đình thể thao, gia đình hiếu học, gia đình “5 không, 3 sạch”, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…). Hơn nữa, cách thức bình xét còn chưa có một chuẩn thống nhất, ở nhiều nơi còn mang tính hình thức.

Việc một số địa phương chủ động đề xuất bộ tiêu chí dành cho hộ gia đình trong xây dựng NTM thể hiện sự thiếu hụt của Bộ tiêu chí quốc gia và tính cấp thiết cần bổ sung thêm tiêu chí này”, Bộ NN&PTNT chỉ ra.

Theo Bộ NN&PTNT, Bộ tiêu chí cần được theo dõi, đánh giá, kiểm định, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình xây dựng NTM ở các địa phương và cả nước trong mỗi giai đoạn; cần được chuyển thể, nâng cấp cho phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng NTM, theo phương châm xây dựng NTM không ngừng, không có điểm dừng, thể hiện ở các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nguồn: https://infonet.vn

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn