GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » TIN TỔNG HỢP NÔNG THÔN MỚI


Xây dựng nông thôn mới: Thước đo từ lòng dân

Thứ ba - 24/04/2018 09:48
Năm 2017, công tác đánh giá, chấm điểm xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) có thêm nội dung “Lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn xã, huyện, thị xã làm căn cứ để xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM”.
Đây là nội dung bắt buộc, nhằm tạo thêm tính công khai, phát huy dân chủ, quyền thụ hưởng của người dân từ chương trình.
Nông dân ở thôn 3, xã Thuận Hà (Đắk Song) thu hoạch bắp cải. Ảnh: Y Krăk

Yêu cầu ngày càng cao

Bắt đầu từ năm 2017, Đắk Nông chấm điểm NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, công tác đánh giá, chấm điểm xã, huyện đạt chuẩn NTM có thêm nội dung: “Lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn”. Nội dung bắt buộc này khẳng định yêu cầu về chất lượng ngày càng cao trong quá trình thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) là tổ chức chủ trì việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ban Thường vụ MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 176, ngày 1/6/2017 để triển khai trên địa bàn và hướng dẫn các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc. Việc đánh giá kết quả thông qua phiếu đánh giá gồm 17 câu hỏi, được tiến hành ở khu dân cư do ban công tác Mặt trận, các đoàn thể và trưởng thôn thực hiện. Theo quy định, phải bảo đảm có trên 60% đại diện số hộ gia đình ở các khu dân cư tham gia đánh giá. Địa phương chỉ được công nhận đạt chuẩn NTM khi có trên 90% số người được hỏi trả lời hài lòng về kết quả chung xây dựng NTM ở địa phương. Các nội dung khác (16 câu hỏi còn lại) phải có hơn 80% số người được hỏi trả lời hài lòng.

Hiện nay, MTTQ tỉnh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Việc lấy ý kiến người dân cũng là dịp để các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, từ đó, có lộ trình phù hợp nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Điều này cũng thể hiện đầy đủ hơn quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Tiêu chí mềm này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các địa phương, các cấp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời khẳng định yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.

Phản ánh nguyện vọng của nhân dân

Xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) vừa được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Theo thống kê của Ủy ban MTTQVN huyện Đắk R’lấp, khi tham khảo ý kiến người dân trên địa bàn đã có 91,3% số người được hỏi đều hài lòng. Kết quả này cao hơn 1,3% so với quy định. Điều dễ nhận thấy nhất trong xây dựng NTM trên địa bàn xã là hạ tầng kỹ thuật nông thôn ngày một khang trang; đời sống, thu nhập của người dân được nâng cao hơn trước.

Ở Nghĩa Thắng, nhiều tiêu chí được đánh giá đạt cao hơn so với chuẩn như trường học với 3/5 trường học các cấp đạt chuẩn; cơ sở vật chất văn hóa với 10/10 thôn có nhà văn hóa, lồng ghép khu vui chơi giải trí và hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã. Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, hộ nghèo cũng đạt ở mức cao.

Xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) có 19,5/19,5 km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, kết quả này có được chính là từ sự đóng góp của nhân dân khi xây dựng NTM. Nhân dân chung sức làm đường, nâng cấp nhiều công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, tu bổ nhà cửa, cổng ngõ, tường rào nhằm tạo cảnh quan và môi trường sạch, đẹp. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết thêm: Xã đã xây dựng kế hoạch xây dựng NTM theo lộ trình hàng năm, 5 năm, vận động và được nhân dân hưởng ứng. Khi triển khai, cùng với hoàn thiện hạ tầng nông thôn thì những giải pháp nhằm giúp dân phát triển kinh tế bền vững được chú trọng đã làm cho nhân dân phấn khởi, đề cao trách nhiệm thực hiện và bảo vệ thành quả chung.

Năm 2017, trong khi các địa phương khác chỉ phấn đấu 1 xã đạt chuẩn NTM thì Đắk R’lấp là huyện duy nhất của tỉnh đưa ra kế hoạch 2 xã là Nghĩa Thắng và Đắk Wer đạt chuẩn NTM. Theo ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, cũng nhờ sự hài lòng, ủng hộ của nhân dân mà năm 2017, địa phương đã hoàn thành kế hoạch về NTM. Như vậy, đến năm 2018, Đắk R’lấp có 5 xã, gồm: Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Nhân Cơ, Nghĩa Thắng và Đắk Wer đã đạt chuẩn NTM, dẫn đầu và chiếm 50% số xã NTM của toàn tỉnh.

Tại huyện  Đắk Mil, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Lũy cho biết, năm 2017, huyện đăng ký xã Đắk Sắk đạt chuẩn NTM. Đến nay, qua rà soát, đánh giá xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí đạt cao như: Cơ sở vật chất văn hóa; thông tin và truyền thông, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, quốc phòng, an ninh, có  92,5% ý kiến người dân đồng tình, hài lòng với kết quả xây dựng NTM.

  Vẫn có một số nơi, một số việc nhân dân chưa hài lòng

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh

Ở những nơi triển khai tốt, chỉ số hài lòng của người dân đạt rất cao, ngược lại vẫn còn một số nơi phản ánh sự chưa hài lòng của người dân. Cụ thể như ở xã Nam Dong, dù tỷ lệ hài lòng của nhân dân về kết quả NTM đạt so với quy định. Nhưng phải nhìn nhận vẫn có sự chưa hài lòng, cụ thể như năm 2017 xảy ra tình trạng lạm thu đối với học sinh trong xây dựng NTM. Do đó, các địa phương cần triển khai nghiêm túc, bài bản, tránh hình thức và điều quan trọng nhất là phải đặt lợi ích, quyền làm chủ của nhân dân lên hàng đầu. Được như vậy, mọi thành tựu sẽ luôn ghi dấu ấn mạnh mẽ từ cộng đồng dân cư và sự hài lòng cũng từ đó được nâng cao.

Quan tâm hoàn thiện các tiêu chí đạt cơ bản, dễ biến động

Ông  Đoàn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Qua việc tham gia đi thực tế thẩm định tại các địa phương, cho thấy bên cạnh những tiêu chí mạnh, nhiều địa phương vẫn đạt các tiêu chí ở mức cơ bản, các tiêu chí dễ biến động, cụ thể như tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông ở một số xã hệ thống đài, loa truyền thanh chưa đồng bộ. Một số nơi bố trí hoạt động chung với các công trình khác như thư viện nhưng chưa có biển hiệu, chưa niêm yết giờ hoạt động để người dân biết, giao dịch.

Vấn đề bảo đảm môi trường nông thôn cần phải được cấp huyện, xã coi trọng hơn nữa

Ông Ngô Chí Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường)

Ở nhiều địa phương việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải mới chỉ ở mức cơ bản, chưa triệt để, nhiều địa phương có quy hoạch nhưng không triển khai hiệu quả. Vấn đề về xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức do chính quyền cơ sở chưa làm tốt vai trò giám sát sau bản cam kết, đánh giá tác động môi trường của các cơ sở. Nếu không khắc phục được điều này dễ gây ra khiếu nại, khiếu kiện, sự đánh giá không hài lòng của nhân dân gia tăng trong xây dựng NTM.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ sẽ có được sự hài lòng của nhân dân

Ông  Cao Văn Hiền, thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp)

Ý kiến người dân luôn là khách quan nhất khi đánh giá thành quả xây dựng NTM, bởi họ là những người trực tiếp tham gia, trực tiếp thụ hưởng nên sự thẩm định sẽ thực nhất. Thực tế, từ khi triển khai, đến khi đạt chuẩn và sau 3 năm đạt chuẩn, tôi thấy cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở đã phát huy tốt tinh thần dân chủ của nhân dân. Mọi việc nhân dân đều được bàn bạc, góp ý, thống nhất, triển khai, kiểm tra, giám sát nên rất hài lòng bởi NTM chính là công sức của mình. Chỉ khi người dân phấn khởi, tin tưởng, làm chủ thành quả vừa đạt được, khi đó NTM sẽ thực sự phát huy tác dụng và đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-thuoc-do-tu-long-dan-60618.html

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn