
Thực tế cho thấy, các bãi rác ở nông thôn chủ yếu là các bãi rác tạm với quy mô phổ biến từ 200-500m2, không được đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của bãi rác hợp vệ sinh, rác thải chủ yếu được đổ lộ thiên và luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các công trình xử lý chất thải quy mô nhỏ, mức thu phí của người dân chỉ đủ cho các hoạt động thu gom và chưa có kinh phí cho các hoạt động vận chuyển và xử lý.
Ngoài ra, do dân cư nông thôn phân bố theo từng thôn, xóm với quy mô từ 50-100 hộ, khối lượng nước thải phát sinh từ 10-40m3/ngày đêm, rất khó khăn cho việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại và quản lý công trình theo hướng chuyên nghiệp. Điều này khiến cảnh quan, môi trường nông thôn tại nhiều vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định: Mặc dù còn rất nhiều thách thức, nhưng trong giai đoạn 2021 – 2025, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.
“Môi trường và chất lượng môi trường sống là những tiêu chí có nhiều chỉ tiêu nhất. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ được tính toán phù hợp và khả thi theo các cấp độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu đối với cấp xã và huyện”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Chuẩn bị cho giai đoạn mới, nhiều địa phương đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường, làm bước đệm cho năm 2022 – năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực thi hành.
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/bao-ve-moi-truong-nong-thon-dang-la-van-de-nong-post47167.html