»
VĂN HÓA - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG
Đắk Glong tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ ba - 07/11/2017 09:54
Cụ thể hóa thành kế hoạch Những xã như Đắk R’măng, Quảng Hòa, Đắk Som có đến trên 75% lao động là đồng bào DTTS. Tuy nhiên, đa số những người từ 15 tuổi trở lên chỉ có trình độ tiểu học và THCS, từ THPT trở lên rất ít. Thậm chí, đội ngũ cán bộ thôn, bon năng lực, trình độ còn thấp và hạn chế. Nguồn nhân lực thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ nhu cầu bức thiết về nâng cao nguồn nhân lực, trên cơ sở Quyết định 1870 của UBND tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực các DTTS, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình lồng ghép, đưa vào nội dung phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Điển hình, trong lĩnh vực y tế, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cấp thẻ bảo hiểm miễn phí cho người nghèo và người DTTS, thực hiện các chương trình phòng, chống bướu cổ và HIV/AIDS, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trong lĩnh vực giáo dục, huyện tập trung xây dựng và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú. Chính sách cử tuyển học sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được triển khai đồng bộ. Chính sách hỗ trợ học sinh là con em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học được quan tâm. Học sinh, sinh viên được hỗ trợ kinh phí, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập.
Tạo sự chuyển biến tích cực Mặc dù mới qua một năm triển khai thực hiện, nguồn nhân lực các DTTS của địa phương đã từng bước có những chuyển biến tích cực ở 3 phương diện như: nâng cao trí lực, thể lực; nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường. Việc nâng cao thể lực thể hiện rõ ở kết quả chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Tỷ lệ sinh năm 2017 giảm chỉ còn 14,7%. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS giảm còn 1,7%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng còn 23,2%, giảm 0,3% so với năm 2016. Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng được theo dõi biểu đồ phát triển 3 tháng/lần, đạt 95,5%. 100% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ nên tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết, các bệnh lây lan đã giảm hẳn so với những năm trước. Về phát triển trí lực, năm 2017, toàn huyện có trên 70% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ học sinh người DTTS đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học tăng lên 83%, THCS tăng lên 80% và có 50% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương. Số sinh viên người DTTS trên địa bàn có khoảng 165 người, trong đó, sinh viên DTTS tại chỗ chiếm 45%. Chính sách về công tác cán bộ DTTS từng bước được hoàn thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu thực tiễn đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS. Trong tổng số 302 cán bộ, công chức, viên chức thì phần lớn được đào tạo trình độ trung cấp trở lên. Cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đều được bồi dưỡng trình độ trung cấp lý luận chính trị. Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động DTTS luôn được chú trọng. Học sinh DTTS được tập trung giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống thông qua các buổi học và hoạt động ngoại khóa, chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nguồn :http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/dak-glong-tap-trung-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-57953.html |
Phản hồi đã đóng.