GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » VĂN HÓA - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG


Lan tỏa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Thứ ba - 25/07/2017 10:03
Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được triển khai sâu rộng và chất lượng ngày càng được nâng lên.
 
Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở diễn ra sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân

Chuyển biến tích cực từ cơ sở

Với mục tiêu hướng đến xã văn hóa nông thôn mới, những năm qua, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền việc xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư. Đến thời điểm hiện tại, xã có 1.825/2.542 hộ gia đình, 7/12 thôn, bon đạt danh hiệu văn hóa. Người dân trong xã cũng đã góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và hiện 10/12 thôn, bon có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Theo ông Ngô Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, để có kết quả trên, địa phương cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung của phong trào. Ngay từ khi phát động, Ban chỉ đạo được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với cộng đồng.

Tại các buổi họp dân, các hộ gia đình được phổ biến, tự nguyện đăng ký danh hiệu gia đình, thôn, bon văn hóa. Việc bình xét gia đình văn hóa được thực hiện một cách công khai, minh bạch qua 3 vòng chấm (gia đình tự chấm, thôn và xã chấm). Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức xây dựng nếp sống văn hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức ngày càng đông,

Tương tự, tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đoàn kết, hưởng ứng và thực hiện phong trào một cách hiệu quả. Địa phương đã bám sát vào các tiêu chí, nội dung của phong trào để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia. Được sự đầu tư của các cấp, hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa từng bước được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, lao động sản xuất. Các tổ chức đoàn thể đều triển khai hiệu quả hoạt động thông qua các phong trào xây dựng quỹ ủng hộ phụ nữ nghèo, khó khăn; thành lập các câu lạc bộ  “Không sinh con thứ 3”, “5 không, 3 sạch”…

Song song với việc phát triển kinh tế, địa phương luôn chú trọng về văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đến nay, 10/10 thôn, bon trong xã đã xây dựng được hội trường, nhà văn hóa cộng đồng, sân bóng chuyền, bóng đá.

Theo ông Lê Viết Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Wer, khi triển khai phong trào, xã cũng gặp nhiều khó khăn như hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, diện tích đất dành cho các hoạt động vui chơi giải trí đều không có, chỉ tận dụng các khu đất trống. Cán bộ thôn phải kiêm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau. Thế nhưng, nhờ sự đồng thuận từ cơ sở nên các phong trào, hoạt động của địa phương đều được người dân ủng hộ một cách nhiệt tình.

Thị Nho (bên trái) là nghệ nhân M’nông tiêu biểu ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) truyền dạy cách dệt thổ cẩm cho phụ nữ tại địa phương. Ảnh: H’Mai

Động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự đạt hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, ngay từ lúc bắt đầu triển khai, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức rõ trách nhiệm gắn với từng chương trình cụ thể thông qua hoạt động do đơn vị mình chủ trì.

Điển hình, Công an tỉnh phát động phong trào “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân”; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong lực lượng công an nhân dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả to lớn, có hiệu ứng xã hội tốt, sức lan tỏa mạnh như “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc).

Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn triển khai nhiều phong trào như “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Tuyến đường thanh niên tự quản”…

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 164 về việc thực hiện Đề án truyền thông phát triển Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, đề án yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về phong trào với nhiều nội dung phong phú, đa dạng theo hệ thống ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 101.124/136.701 hộ gia đình (chiếm 73,97%); 561/786 thôn, bon, buôn, tổ dân phố (chiếm 71,37%); 838/938 cơ quan, đơn vị (chiếm 89,33%) và 20/71 xã, phường (chiếm 28,16%) đạt chuẩn danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được hình thành từ tỉnh đến các vùng nông thôn.

Phong trào đã thực sự lan tỏa và có tác dụng trực tiếp đến cách nghĩ, cách làm cũng như lối sống và tinh thần của nhân dân nói chung, các cơ quan, đơn vị nói riêng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh. Đây là động lực góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/van-hoa/lan-toa-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa-55035.html

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn