GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » VĂN HÓA - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG


Tích cực chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ năm - 14/02/2019 10:16

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ triển khai vào đầu năm học 2020-2021. Lộ trình ban đầu triển khai là lớp 1, năm tiếp theo là lớp 2 và lớp 6. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tỉnh đang có những bước chuẩn bị tích cực.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong định hướng học sinh tự chiếm lĩnh tri thức. Ảnh: Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa).

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), công tác chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa đã được ngành thực hiện nhiều năm nay. Ngay từ khi nhận được chủ trương, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định của Bộ GD-ĐT. Nhiều lớp tập huấn được tổ chức nhằm quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD-ĐT về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm hiệu quả đúng theo tinh thần đổi mới. Ngành Giáo dục cũng tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học. Các đề án về xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện dựa trên nhu cầu thực tiễn, điển hình như “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại địa phương, giai đoạn 2017-2025”. Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh, sắp xếp sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học… Từ năm học 2018-2029, các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách nhiều hơn kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác nhằm thực hiện các nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Nghĩa).

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào con người. Vì vậy, ngay từ khi có chủ trương, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ, đúng và sâu về mục đích, ý nghĩa và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Khác với phương pháp dạy học cũ nặng về truyền đạt kiến thức, đặc điểm của phương pháp dạy học mới là phải phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Học sinh sẽ tự tìm tri thức mới dưới sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên. Cốt lõi của đổi mới dạy học là giáo viên phải định hướng cho học sinh những kỹ năng ứng dụng tri thức thực tiễn qua hoạt động trải nghiệm.

Vì vậy, với chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải tích cực học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức nhằm đổi mới thường xuyên. Ngoài tập huấn về chuyên môn, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi phù hợp. Để thực hiện đúng theo lộ trình, trước mắt, ngành đang tập trung trang bị chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên phụ trách khối lớp 1 và được tuyển chọn phù hợp. Ngành cũng đang từng bước sắp xếp lại số lượng giáo viên ở các vùng, trường, không để tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, qua quá trình chuẩn bị, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020-2021 bắt đầu từ khối lớp 1 cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình theo của lộ trình vào những năm tiếp theo đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể, dài hơi mới bảo đảm chương trình triển khai hiệu quả. Nếu triển khai thực hiện chương trình giáo dục mới đối với các lớp lớn, nhất là bậc THPT thì đòi hỏi hệ thống trang thiết bị phải được đầu tư đầy đủ hơn. Vì vậy, song song với việc chuẩn bị triển khai giai đoạn đầu, ngành Giáo dục cũng từng bước tham mưu, xây dựng kế hoạch đầu tư. Ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục cũng đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất.

Nguồn: Báo Đắk Nông

 

 

 

 

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn