GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » VĂN HÓA - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG


Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng: Cần có quy hoạch, định hướng rõ ràng

Thứ hai - 22/07/2019 15:36

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng và tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Do đời sống còn nhiều khó khăn nên việc kêu gọi người dân làm du lịch cộng đồng vẫn còn gặp khó

Hiểu biết về du lịch cộng đồng hạn chế

Xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã có Di tích lịch sử cấp Quốc gia điểm bắt liên lạc đường hành lang chiến lược Bắc Nam, thác Liêng Nung và nhiều mô hình cây ăn trái phát triển. Đặc biệt, nơi đây còn là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc bản địa như Mạ, M’nông cùng nhiều dân tộc anh em khác. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, đồng bào còn ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, năm 2016 xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2016- 2020; trong đó xây dựng và duy trì đội nghệ nhân phục vụ du khách; giao lưu văn hóa văn nghệ gồm các nghệ nhân đánh cồng chiêng, nghệ nhân múa, hát; từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đã thành lập được tổ hợp tác dệt thổ cẩm, thu hút hơn 20 thành viên tham gia. Đặc biệt, năm 2018, bon N’Jriêng được UBND tỉnh chọn làm bon điểm xây dựng du lịch cộng đồng vùng Công viên địa chất Đắk Nông. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng của bon gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, thời gian qua, có một số đoàn du khách đến tham quan trên địa bàn và muốn hòa mình cùng văn hóa bản địa của đồng bào. Nhiều đoàn đã tìm đến và nhờ địa phương liên hệ với người dân để tổ chức cơm lam, thịt nướng, đánh cồng chiêng nhưng do chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như lợi ích khi tham gia xây dựng du lịch cộng đồng nên đồng bào “hét giá cao”, nên họ không chịu.

Bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô) cũng được chọn làm bon điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Ngoài vấn đề bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào M’nông đang thực hiện tốt thì việc làm du lịch cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung chia sẻ: “Thực tế mà nói, khái niệm du lịch cộng đồng nhiều người còn không hiểu chứ đừng nói đến đồng bào. Đồng bào trong bon gìn giữ bản sắc văn hóa rất tốt nhưng chưa hiểu được lợi ích khi cùng chính quyền làm du lịch cộng đồng nên họ cũng chẳng mặn mà. Hiện nay, trong bon chỉ có khoảng 40% hộ đã xây dựng được nhà vệ sinh khép kín nhưng ít nhà đạt được tiêu chuẩn cho khách lưu trú, trải nghiệm”.

Xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng cần một chiến lược dài hơi

Chính quyền địa phương còn nhiều hơ hồ

Ngày 2/7/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1014 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn liền với Công viên địa chất Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; trong đó có Điều 5 quy định mức hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ thôn, bon, bản, buôn, tổ dân phố làm du lịch homestay  (có quy mô đón, phục vụ cùng lúc 20 du khách trở lên) 100% kinh phí xây dựng nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt bảng chỉ dẫn nhưng không quá 200 triệu đồng/thôn, bon, buôn, bản; Hỗ trợ hộ làm du lịch homestay (có quy mô đón, phục vụ cùng lúc 10 du khách trở lên) 50% kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, trang thiết bị phòng lưu trú nhưng không quá 100 triệu đồng/hộ. Ngày 14/11/2018, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định 1815 về việc hướng dẫn thực hiện Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông, trong đó hướng dẫn một cách cụ thể về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay các thôn, bon, buôn điểm được chọn vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn thưc hiện việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Thậm chí, các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan, các địa phương đều không biết.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: “Thực tế việc chọn làm du lịch cộng đồng điểm tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng khi tham dự các hoạt động liên quan của ngành văn hóa, chứ trên thực tế cũng chẳng có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào. Trong khi đó, việc xây dựng và khai thác du lịch cộng đồng là một việc làm lâu dài và có sự phối hợp của cộng đồng địa phương. Khi được phóng viên hỏi và cho biết các mức hỗ trợ cho việc xây dựng du lịch cộng đồng thì tôi mới biết chứ không cũng mù tịt”.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cũng nói: “Khi phóng viên hỏi và nói các vấn đề liên quan đến du lịch cộng đồng thì địa phương mới biết, chứ thực tế chưa có một văn bản hướng dẫn liên quan nào. Chúng tôi cũng chưa biết các hộ được chọn hỗ trợ khi làm du lịch cộng đồng thì dựa trên các tiêu chí cụ thể nào. Hơn nữa, hiện nay số lượng du khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn xã rất ít, nên việc vận động đồng bào tham gia làm du lịch cộng đồng rất khó khăn”.

Du khách thích thú khi được đồng bào Mạ xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tiếp đón theo nghi thức đón bạn truyền thống. Ảnh: Hồ Mai

Cần quy hoạch, định hướng cụ thể

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh. Muốn xây dựng, phát triển được loại hình du lịch cộng đồng cần phải có một chiến lược dài hơi, chứ không thể làm qua loa là có được.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho đồng bào bản địa và rất được ưa chuộng, nhiều tỉnh thành đã xây dựng thành công như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Giang, Cao Bằng… Vì vậy, để mô hình du lịch cộng đồng hình thành, phát triển một cách bền vững, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và người dân thì cần có các quy hoạch, định hướng rõ ràng, cụ thể, lựa chọn khu vực trọng điểm để ưu tiên đầu tư hạ tầng.

Trước mắt, ngoài tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng, ngành văn hóa cũng đang nỗ lực tìm đầu ra cho các sản phẩm du lịch như thổ cẩm, rượu cần… và nhất là tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch cộng đồng. Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của ngành văn hóa cũng rất cần có sự tham gia của các ngành chức năng khác nhằm định hình, hướng dẫn mô hình du lịch cộng đồng đi đúng hướng.

  Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 6544 quyết định chọn bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng, làng văn hóa dân tộc Dao thuộc thôn Thái Học, thôn Đoàn Kết, xã Đắk Wil (Cư Jút); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, thôn Nam Tân, xã Nam Đà (Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) là các bon điểm để xây dựng du lịch cộng đồng.

 

 

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn