Phát triển y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân (kỳ cuối): Đổi mới hệ thống y tế cơ sở theo hướng toàn diện, đồng bộ, hiện đại

Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng thực tế hiện nay, hoạt động mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) vẫn còn những khó khăn, bất cập. Vì vậy, ngành Y tế, các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, tiếp tục tạo bước đột phá cả về chất và lượng, để YTCS hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu

Theo Sở Y tế, mặc dù thời gian qua, ngành đã tranh thủ nhiều nguồn kinh phí khác nhau để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho YTCS nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 44 trạm y tế được xây dựng theo tiêu chuẩn cũ từ nhiều năm trước với thiết kế một cửa đã hư hỏng, xuống cấp và không còn phù hợp. Bên cạnh đó, các trạm y tế thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) và phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) vẫn chưa có trụ sở làm việc.

Cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Nam Dong (Cư Jút) đã xuống cấp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn

Về tuyến huyện, hiện vẫn còn BVĐK huyện Đắk Song chưa được đầu tư nâng cấp; trong khi công suất sử dụng của bệnh viện hiện nay lên đến 240% công suất thiết kế. BVĐK huyện Đắk R’lấp mặc dù mới được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn ADB (Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2), nhưng công suất sử dụng giường bệnh cũng lên đến 150% so với công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị cho tuyến YTCS cũng còn những bất cập. Hiện vẫn còn khoảng 30 trạm y tế chưa được đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh như máy siêu âm, máy đo đường huyết, xét nghiệm… Một số trạm khác thì trang thiết bị, máy móc đã cũ, hư hỏng.

Việc đầu tư trang thiết bị cho các BVĐK tuyến huyện cũng gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi danh mục đầu tư theo Quyết định 3333/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Do đó, việc đầu tư, mua sắm chỉ mới dừng lại ở trang thiết bị thiết yếu, chưa được đầu tư trang thiết bị cao, hiện đại như máy siêu âm màu 4D, X-Quang kỹ thuật số, máy chạy thận nhân tạo, máy phẫu thuật nội soi…

“Nút thắt” về nhân lực

Vấn đề thiếu nhân lực đang là thực trạng chung của tuyến YTCS. Theo thống kê của ngành Y tế, tuyến YTCS có 1.533 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có 475 bác sĩ, chiếm hơn 30%. Số bác sĩ có trình độ chuyên khoa sau đại học chỉ có 42 người, chiếm khoảng 2,7%. Việc tuyển dụng bác sĩ và dược sĩ đại học vào công tác tại các cơ sở y tế công lập tuyến YTCS vốn đã khó, nhưng để “giữ chân” đội ngũ này ở lại công tác lâu dài tại địa phương lại càng khó hơn. Không ít trường hợp y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã và đang có xu hướng “chuyển vùng”, “chuyển ngành”.

Với việc đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và chuẩn hóa nguồn nhân lực, BVĐK huyện Đắk R’lấp ngày càng thu hút đông người dân đến khám, chữa bệnh

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với chế độ thu hút đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn nên nhiều năm liền, ngành Y tế không tuyển đủ bác sĩ về làm việc tại các đơn vị tuyến huyện theo nhu cầu tuyển dụng. Hơn nữa, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, môi trường làm việc khó phát triển chuyên môn, nghiệp vụ nên dù có tuyển dụng được rồi thì sau khi được đào tạo chuyên sâu, đa phần bác sĩ sẽ thay đổi nơi làm việc, tìm đến các bệnh viện tuyến cao hơn hoặc các bệnh viện ngoài công lập”.

Thực tế, để thu hút cũng như “giữ chân” bác sĩ giỏi công tác lâu dài tại địa phương, từ năm 2015, tỉnh đã triển khai “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ thu hút qua các năm đạt chưa đến 30% so với kế hoạch. Cụ thể, sau hơn 3 năm, ngành mới chỉ thu hút được 14 bác sĩ về công tác, trong đó có 9 bác sĩ công tác tại các bệnh viện tuyến huyện.

Sự thiếu hụt nhân lực khiến cho việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao ở tuyến YTCS cũng gặp nhiều khó khăn, chưa bắt kịp nhu cầu ngày càng cao về khám, điều trị cũng như đáp ứng các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, phong phú của người dân. Qua tìm hiểu cho thấy, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện tự đào tạo về chuyên môn là chính, có nghĩa là các y, bác sĩ đi trước dìu dắt người đi sau để rút kinh nghiệm. Nếu có trường hợp được cử đi học tại tuyến trên thì người ở nhà phải gánh vác công việc thay. Điều này làm tăng gánh nặng cho nhân viên y tế làm công tác khám, điều trị tại các đơn vị.

Ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn, điều kiện học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu sâu về chuyên môn của y, bác sĩ lại càng khó khăn hơn. Sở dĩ như vậy là do khối lượng công việc tại trạm khá nhiều. Trung bình, mỗi cán bộ y tế thường phải phụ trách khoảng 3-5 chương trình y tế khác nhau, chưa kể các việc liên quan đến hành chính, viết báo cáo, làm sổ sách giấy tờ… Trong khi đó, điều kiện để cọ xát, tiếp cận nâng cao trình độ chuyên môn rất ít, bởi bệnh nhân đến khám tại trạm chủ yếu là các bệnh thông thường. Những trường hợp bệnh nặng thì hầu hết các trạm lại thiếu máy móc, thiết bị trong việc chẩn đoán, điều trị… nên phải chuyển lên tuyến trên.

Thực tế, với những khó khăn, hạn chế trên, việc thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến YTCS, nhất là các trạm y tế đang trở thành bài toán khó đối với ngành Y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “quá tải” đối với các bệnh viện tuyến trên, nhất là khi ngành Y tế triển khai việc thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Vấn đề thiếu nhân lực đang là thực trạng chung của tuyến YTCS. (Ảnh: Người dân đưa trẻ đến khám bệnh tại BVĐK huyện Cư Jút)

Tập trung mục tiêu “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Trước thực tế đòi hỏi của cuộc sống cũng như tình hình nói trên, ngành Y tế đang tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới mục tiêu “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Đây là mục tiêu được đặt ra tại nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh như: Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/6/2017 về hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế tỉnh Đắk Nông đến năm 2020; Kế hoạch số 185/KH-UBND về xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2017-2020.

Theo Sở Y tế, với thực tế đặt ra tại tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra là điều không dễ dàng, nhưng ngành sẽ xây dựng lộ trình cũng như những giải pháp triển khai một cách phù hợp. Trước mắt, trong năm 2018, ngành tiến hành sắp xếp, đổi mới toàn diện hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Riêng đối với tuyến YTCS, ngành sẽ triển khai mô hình “3 trong 1”, tức là sáp nhập BVĐK huyện, trung tâm y tế huyện và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình huyện thành Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; đồng thời triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Sau khi sáp nhập, công tác quản lý sẽ được bao quát hơn cả về tình hình sức khỏe nhân dân và tình hình dịch, bệnh trên địa bàn. Ưu điểm của mô hình là tập trung được nguồn nhân lực, trang thiết bị, kinh phí… Ngoài ra, ngành sẽ giảm được số lượng bác sĩ trước đây làm quản lý để tập trung cho công tác chuyên môn, khắc phục phần nào tình trạng thiếu bác sĩ trong các cơ sở điều trị”.

Ngành Y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế. (Ảnh: BVĐK huyện Đắk Glong ký kết hợp tác với Bệnh viện Quận 2-TP. Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS cũng sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế… Hiện nay, ngành đã huy động được nguồn vốn từ Dự án Chăm sóc sức khỏe Tây Nguyên giai đoạn 2 để xây dựng mới 7 trạm y tế và nâng cấp, cải tạo 1 trạm y tế. Nhu cầu xây mới 4 trạm và nâng cấp, cải tạo 34 trạm còn lại vẫn đang được ngành nghiên cứu, huy động các nguồn lực khác.

Việc cung cấp trang thiết bị cũng sẽ được rà soát, đánh giá tình trạng sử dụng trang thiết bị y tế trong toàn ngành để sắp xếp, điều chuyển cho phù hợp,  nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng. Cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn, các cơ sở y tế được khuyến khích thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế phù hợp với quy định của Nhà nước.

Riêng đối với nguồn nhân lực, cùng với việc rà soát, bố trí nhân lực hợp lý giữa các bộ phận, hoàn tất việc tuyển dụng viên chức, ngành sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế. Các hình thức đào tạo được đa dạng hóa, kết hợp đào tạo tại các cơ sở y tế tuyến trên với mời chuyên gia về đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao ngay tại các đơn vị; đồng thời khuyến khích tự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để nâng cao tay nghề. Đặc biệt, ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng môi trường y tế xanh-sạch-đẹp, ngày càng đáp ứng sự hài lòng của nhân dân

  Mới đây, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 28 ngày 8/5/2018 để triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, số bác sĩ/vạn dân đạt 8,9 bác sĩ; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 21 giường; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt hơn 80%; phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm…

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn