Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2: Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2 (2016-2020) đã được hơn nửa chặng đường kế hoạch và đã đạt được những kết quả tích cực. Để làm rõ hơn các nội dung liên quan, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

Ông Lê Trọng Yên

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả sau hơn 2 năm triển khai xây dựng Chương trình NTM giai đoạn 2 trên địa bàn Đắk Nông?

Ông Lê Trọng Yên: Sau hơn 2 năm triển khai giai đoạn 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng ta đã đạt được một số kết quả rõ nét. Trước hết, đến thời điểm này, về các cơ chế chính sách cho giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý để triển khai Chương trình hiệu quả. Bên cạnh đó, từ những kết quả đạt được của giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2, các huyện, thị xã đã chủ động, sáng tạo và phát động phong trào mạnh mẽ hơn trong xây dựng NTM.

Từ đây, Chương trình đang từng bước đi vào thực chất, có tính chiều sâu với mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 10/61 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân mỗi xã đạt 11,84 tiêu chí/xã, tăng 0,81 tiêu chí/xã so với năm 2016, không có xã dưới 5 tiêu chí. Đánh giá theo chỉ tiêu Kế hoạch năm 2017 của Nghị quyết HĐND tỉnh thì số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm trong năm 2017 đạt 100% kế hoạch. Đây chính là cơ sở, động lực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo.

PV: Ngoài những thuận lợi cơ bản, quá trình triển khai xây dựng NTM còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Việc xác định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu cao nhất, cuối cùng trong cả giai đoạn. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi thấy rằng vấn đề khó khăn nhất là việc đạt bền vững các tiêu chí nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể như về hộ nghèo, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất ở nhiều xã còn chưa thực chất, ở mức cơ bản.

Năm 2017, toàn tỉnh có 40/61 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, tăng 1 xã so với năm 2016;  61/61 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm, không tăng xã so với năm 2016; 39/61 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, giảm 11 xã so với năm 2016. Mặc dù áp dụng chuẩn mới có yêu cầu cao hơn song số xã rớt tiêu chí số 13 nhiều đã cho thấy việc tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém, sản phẩm nông sản còn theo kiểu thủ công, chưa mang tính hàng hóa cao. Ở nhiều xã chưa tạo được thu nhập ổn định, phụ thuộc quá nhiều vào giá cả thị trường.

Chưa kể, đa phần các xã hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên vấn đề xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho nông dân còn thấp.

Ngoài ra, sự thiếu quyết tâm, phương thức huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân chưa tốt, cộng với những nguyên nhân chủ quan đang tạo ra sự chênh lệch giữa các vùng trong xây dựng NTM.

HTX nông nghiệp Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) liên kết với doanh nghiệp, bán từ 10 tấn sản phẩm trở lên/ngày cho chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Thoan

PV: Để khắc phục những hạn chế, ông cho biết cụ thể hơn về những định hướng, giải pháp về xây dựng NTM thời gian tới?

Ông Lê Trọng Yên: Để tạo động lực cho giai đoạn mới, tỉnh Đắk Nông đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định số 1842/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 gồm 36 thành viên, trong đó: Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Các huyện, thị cũng đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil. Có 61/61 xã đã thành lập, kiện toàn Ban quản lý các Chương trình MTQG cấp xã; 19/61 xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã và 679/679 thôn, bon, buôn thành lập Ban phát triển. Sự kiện toàn này chắc chắn sẽ vận hành công việc được suôn sẻ hơn.

Trên cơ sở rút ra các bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1 và xác định những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp trọng tâm để thực hiện. Cụ thể, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn thông qua việc triển khai có hiệu quả các Đề án về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ cụ thể việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát động và nhân rộng tinh thần khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực ở nông thôn để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi các sản phẩm du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Cùng với đó, trên cơ sở nguồn lực, tỉnh sẽ xây dựng một số xã theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao để rút kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn