Krông Nô chú trọng chuyển đổi cây trồng phù hợp để giảm nghèo

Năm 2018, với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn dân, huyện Krông Nô đã có nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chỉ tiêu về giảm nghèo vượt khá cao so với mục tiêu, tạo tiền đề, động lực để địa phương phát triển đồng bộ, bền vững hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Với 7 sào ruộng không thuận lợi về nguồn nước, ông Nông Văn Kiên ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir (Krông Nô) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai lang

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Krông Nô phấn đấu giảm 2,13% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2017, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo của huyện là 1.632 hộ/18.783 hộ, giảm 3,24% so với năm 2017; hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,97% so với cùng kỳ năm 2018.

Có được kết quả đó, trước hết, công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Với quyết tâm đẩy nhanh công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện Krông Nô đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, kế hoạch triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông về giảm nghèo bền vững, tổ chức rà soát hộ nghèo…để có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp.

Người dân xã Nâm N’đir (Krông Nô) trồng bí tại những chân ruộng lúa thiếu nước

Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng các đề án phát triển sản xuất, phối hợp với doanh nghiệp, viện, trường đại học xây dựng các mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân. Đồng thời, thông qua các chương trình dự án giảm nghèo như 30a, 135… huyện tập trung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho người dân, như: lúa, ngô, cà phê, bò, dê…

Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp thông qua các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn. Vận động người dân áp dụng giống mới, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp với đất sản xuất sang cây trồng có hiệu quả cao hơn như: Sử dụng giống lúa RVT chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô cánh đồng mẫu lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, tại một số xã có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao như xã Nâm N’đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh… ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức cho nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất ngô giống F1, bí đỏ, khoai lang, ớt, cam, quít… trên chân ruộng xa công trình thủy lợi, dễ bị gặp hạn vào cuối vụ, mang lại hiệu quả vượt trội so với cây lúa. Trong quá trình sản xuất, ngành Nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương và nông dân luôn bám sát phương châm là sản xuất tập trung, hướng ra thị trường, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Trồng ớt cũng là hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người dân xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô thì thông qua Chương trình hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo bền vững, huyện đã giao các nguồn vốn Khoa học Công nghệ, sự nghiệp Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho Trung tâm triển khai mô hình và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Năm 2018, Trung tâm đã triển khai tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản  cho 4 hộ tại thôn Đắk P’rí xã Nâm N’đir, thôn Buôn Choáh xã Buôn Choáh, với số lượng là 12 con dê giống lai Boer. Đến nay, đàn dê thuộc dự án đã bắt đầu sinh sản. Mô hình được người đồng bào dân tộc nghèo hưởng ứng cao. Bên cạnh đó, từ Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, Trung tâm đã cấp cho 45 hộ nghèo với tổng 99 con dê lai bách thảo sinh sản để nuôi và nhân đàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thì thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, giao thông đến các xã đều đã được cứng hóa, thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa. Trong sản xuất, người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện theo hướng nhanh và bền vững hơn.

Nguồn:http://www.baodaknong.org.vn