Khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao mặt bằng dân trí

Qua 3 năm thực hiện Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả tích cực.

Đạt nhiều kết quả

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Hai huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp được chọn làm thí điểm và mỗi huyện, thị xã chọn 5 gia đình, 2 dòng họ làm thí điểm trong xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học.

Trong quá trình triển khai các nội dung của đề án, Hội khuyến học các cấp từng bước thể hiện vai trò nòng cốt của mình, với việc các tổ chức hội và hội viên không ngừng tăng. Nếu năm 2017, toàn tỉnh chỉ có trên 8.400 hội viên thì đến nay đã tăng lên 12.904 hội viên. Tổ chức hội đã phủ kín các xã, phường, thị trấn. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 10 chi hội khuyến học. Việc phát triển và củng cố các trung tâm học tập cộng đồng cũng được đẩy mạnh. Hiện 71/71 xã, phường đã có trung tâm học tập cộng đồng, với số lượng người tham gia các lớp học ngày càng tăng, đạt từ 10.000 lượt – 15.000 lượt người/năm. Nội dung các lớp học rất phong phú như xóa mù chữ cơ bản, bổ túc văn hóa tiểu học, học nghề ngắn hạn…

Các cá nhân được nhận Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 281.

Hội khuyến học các cấp cũng đã hỗ trợ việc dạy và học trong hệ thống giáo dục chính quy thông qua các loại quỹ khuyến học. Nếu năm 2017, tổng số tiền huy động của tất cả các loại quỹ trong tỉnh là 1,5 tỷ đồng thì đến nay đã tăng lên 11,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn quỹ huy động, hàng năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên được nhận học bổng từ các quỹ khuyến học, khuyến tài.

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Theo Hội Khuyến học tỉnh, một số cơ quan, đơn vị khi xét công nhận danh hiệu đơn vị học tập thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong nắm bắt thông tin của gia đình công nhân, viên chức, công chức. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa cũng như tính cấp thiết của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và người dân còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao.

  Theo Hội Khuyến học tỉnh, qua 3 năm triển khai đề án, số lượng gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị được công nhận đạt danh hiệu học tập suốt đời ngày càng tăng. Riêng gia đình đạt danh hiệu học tập tăng từ 119.549 gia đình năm 2016 lên 144.740 gia đình, chiếm trên 53% tổng gia đình toàn tỉnh. Ðơn vị đạt danh hiệu học tập tăng từ 367 đơn vị năm 2016 lên 326 đơn vị năm 2018.

 

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 281, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định: Đội ngũ cán bộ hội của các huyện, xã thường xuyên luân chuyển; thậm chí, có những huyện chỉ trong một năm có đến 4 lượt luân chuyển chủ tịch hội. Cán bộ phụ trách của các cấp hội cũng thường xuyên bị thay đổi nên gần như không theo dõi, tổng hợp được tình hình chung, từ đó khó có kế hoạch thực hiện sát hợp.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án 281 nói riêng và công tác khuyến học, khuyến tài nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng dân trí. Cùng với đó, qua các chương trình khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực trong hỗ trợ học sinh khó khăn đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nhằm phát huy hết vai trò, trách nhiệm của tất cả các cấp hội. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẽ được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ phụ trách cũng như nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của phong trào xây dựng xã hội học tập.  

Nguồn: Báo Đắk Nông