Các cơ sở sản xuất mắc ca chạy hết công suất để phục vụ thị trường tết

Những ngày này, không khí sản xuất tại cơ sở sản xuất hạt mắc ca Như Ý ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) nhộn nhịp hơn hẳn.

Chị Tôn Nữ Ngọc Như, chủ cơ sở sản xuất cho biết, để kịp các đơn hàng tết, các thành viên gia đình và 5 nhân công làm việc suốt ngày không nghỉ. Lượng hàng gia đình sản xuất mỗi ngày nhiều hơn bình thường do khách hàng đặt để làm quà tết với số lượng lớn. Đến nay cơ sở của gia đình xuất xưởng được khoảng 1 tấn mắc ca sấy khô, đóng gói. Nguyên liệu đầu vào thu mua từ người dân trên địa bàn huyện sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, các cơ sở chế biến hạt mắc ca cũng chú ý đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Phan Tuấn

Tại cơ sở sản xuất hạt mắc ca Mơ Nông, ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) cũng đang có 10 nhân công gấp rút hoàn thành các đơn hàng của khách. Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ cơ sở sở sản xuất mắc ca Mơ Nông cho biết, sản phẩm của cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở mở rộng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Bình Dương… với số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Điều phấn khởi nhất đối với doanh nghiệp là sản phẩm làm ra đến đâu thì được khách hàng đón nhận, tiêu thụ hết đến đó.

Cơ sở chế biến hạt mắc ca Mơ Nông tăng tần suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Phan Tuấn

Theo anh Tuấn, hạt mắc ca có giá trị cao về dinh dưỡng nên sản phẩm này trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Thời gian qua, hạt mắc ca do công ty anh chế biến bán ra thị trường với giá 250 ngàn đồng/kg, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Gần tết, sản phẩm bán chạy hơn ngày thường nên cơ sở đang tập trung sản xuất khoảng 2 tấn mắc ca sấy khô, đóng hộp. Để kịp cung cấp cho khách hàng, cơ sở phải thuê thêm người để tăng cường thực hiện một số công đoạn chế biến. Số lượng đơn hàng lớn, nhưng cơ sở luôn bảo đảm khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, giữ uy tín của thương hiệu.

  Việc có nhiều người dân ưa chuộng và lựa chọn hạt mắc ca được xem là một tín hiệu vui cho ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức. Hiện nay, toàn huyện đang có khoảng 678 ha mắc ca, trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Trực… Trong số này, có hơn 115 ha (chiếm 17%) đã cho thu hoạch tương đối ổn định. Sản lượng mắc ca có được bao nhiêu, doanh nghiệp, tiểu thương thu mua hết tới đó. Thế nên, hiện nay các ngành chức năng đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch, nghiên cứu lựa chọn giống mắc ca phù hợp cho địa phương để giúp người nông dân có thể phát triển, làm giàu với loại cây trồng mới này.  

 

Theo UBND huyện Tuy Đức, trên địa bàn đang có 4 cơ sở lớn chuyên sản xuất, chế biến hạt mắc ca. Tất cả các cơ sở chế biến mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào thời điểm này, các cơ sở đang chạy hết công suất để có sản phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm. Từ nguồn nguyên liệu của địa phương, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán này các cơ sở sản xuất mắc ca Tuy Đức sản xuất được khoảng 10 tấn mắc ca sấy khô, đóng hộp. Với con số này, các cơ sở sản xuất mắc ca ở huyện Tuy Đức chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu thị trường vào dịp tết.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn