Bước đầu cho "quả ngọt" với "canh bạc" bưởi da xanh

Anh Phạm Thế Tùng, ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) đã mạnh dạn đưa giống bưởi da xanh nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây về trồng tại địa phương và đang từng bước thành công, mang lại nguồn thu nhập khá.

Từ năm 2014 đến nay, anh Pham Thế Tùng phát triển được hơn 1 ha bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh miền Tây. Ảnh: Phan Tuấn

Cách đây 5 năm, gia đình anh Phạm Thế Tùng đã thử nghiệm chuyển đổi 1 ha cao su, cà phê… sang trồng bưởi da xanh. Khi thấy gia đình anh Tùng chuyển từ cây cà phê sang trồng bưởi da xanh, nhiều người dân đã khuyên can, cho rằng làm như vậy là “tự sát” bởi loại cây này chưa được khảo nghiệm ở Đắk Nông. Càng mạo hiểm hơn vì khi đưa bưởi da xanh vào trồng, anh Tùng mới bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu để làm sao loại cây trồng này có thể thích ứng với vùng đất Quảng Tân.

Theo anh Tùng, 4 năm đầu tiên, cuộc sống của gia đình anh hết sức vất vả bởi chi phí chăm sóc cho cây bưởi da xanh đã tiêu tốn của gia đình anh hơn 400 triệu đồng. Khi đó, cả gia đình anh như ngồi trên đống lửa vì không còn nguồn thu từ cây cà phê, còn cây bưởi da xanh thì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế, trong khi tiền đầu tư thì ngày một lớn dần. Mãi đến mùa vụ 2018 – 2019, vườn bưởi da xanh của gia đình anh Tùng bắt đầu cho trái bói với năng suất gần 2 tấn quả. Niềm vui nhân đôi khi trái bưởi da xanh chẳng những cho trái to mà còn có chất lượng tốt, được khách hàng đón nhận.

2 tấn quả bưởi da xanh của anh Tùng đã được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá 50 ngàn đồng/1 kg, mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng (chưa trừ chi phí) cho gia đình. Mùa vụ 2019 – 2020, vườn bưởi da xanh của gia đình tiếp tục đậu trái rất nhiều, ước tính thu về hơn 9 tấn quả và doanh thu sẽ đạt trên dưới 500 triệu đồng.

Anh Tùng phấn khởi cho biết: “Phải tới tháng 6/2020, vườn bưởi da xanh của gia đình tôi mới cho thu hoạch chính, đã có nhiều đại lý, cửa hàng buôn bán hoa quả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đến đặt hàng. Đến thời điểm này, có nhiều người tìm đến tận nhà để xin “đặt cọc” trước, nhưng gia đình tôi chưa nhận lời”.

Việc chăm sóc, phát triển bưởi da xanh đòi hỏi người trồng phải nắm vững nhiều kỹ thuật và tốn kém nhiều công sức. Ảnh: Phan Tuấn

Theo anh Tùng, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng nghề làm nông không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Lúc mới trồng bưởi, gia đình anh gặp nhiều khó khăn bởi cách trồng bưởi da xanh ở các tỉnh miền Tây khác hẳn với vùng đất Tây Nguyên vì khí hậu giữa hai vùng miền là hoàn toàn khác nhau. Cây bưởi da xanh khi phát triển ở vùng đất Tây Nguyên bị nhiều loại nấm, sâu bệnh tấn công. Vì vậy, anh Tùng và các thành viên trong gia đình đã tốn rất nhiều thời gian chăm sóc, ngăn ngừa sâu bệnh để cây bưởi da xanh phát triển tốt.

Cũng theo anh Tùng, chỉ cần làm chủ được quy trình kỹ thuật, trung bình mỗi cây bưởi da xanh có thể cho vài chục quả với cân nặng từ 1,8 – 2,2 kg/quả. Với giá bán hiện tại, trồng bưởi da xanh mang lại thu nhập khá. Tuy nhiên, anh Tùng cho rằng hiện chỉ tập trung phát triển 1 ha chứ chưa có ý định mở rộng thêm, bởi chi phí đầu tư loại cây trồng này rất tốn kém.

Chỉ riêng đến thời kỳ có trái, người trồng phải tiến hành từ 4 -5 đợt bọc lưới cho trái bưởi để phòng tránh nhiều loại sâu bọ tấn công, hủy hoại. Đặc biệt, khi trồng ít thì đầu ra tương đối dễ dàng còn trồng nhiều mà không có đầu ra thì rất khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm tổ chức trồng khảo nghiệm, hỗ trợ người dân trong việc sản xuất, phát triển loại cây trồng này.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn