Xã miền núi về đích nông thôn mới

“Khi những ngày cuối cùng của năm 2019 đến gần thì Hương Hóa đã cán đích xã nông thôn mới (NTM)”- bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã nói.

08-39-09__1-_tiep_tuc_be_tong
Tiếp tục bê tông đường giao thông và kênh mương ở Hương Hóa.

“Từ trong khó khăn, chúng tôi đã phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương. Tích cực tuyên truyền vận động người dân cùng chung tay xây dựng NTM” – bà Thao chia sẻ thêm.

Thực tế, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nằm sát biên giới Việt- Lào, là xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thiếu thốn, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ.  

Kết hợp các nguồn lực

“Cái khó của Hương Hóa khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là gần như làm từ đầu. Bởi những năm trước đó, cơ sở hạ tầng vẫn còn lạc hậu lắm”, bà Nguyễn Thị Thoa mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Xác định đường giao thông là huyết mạch quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Hương Hóa đã phát huy dân chủ, công khai đến người dân kế hoạch mở đường, đáp ứng với yêu cầu của bà con. Khi được tường tận, thấu đáo, mọi người dân đều đồng lòng hưởng ứng. Hàng trăm lượt hộ dân hiến đất, hiến hàng rào, cây cối… với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng để mở rộng đường mà không hề đòi hỏi hỗ trợ, đền bù.

Ông Lê Văn Đức ở thôn Tân Hương hồ hởi nói: “Trước đây khổ lắm, đường đi mưa chưa đã lầy lội. Vì vậy khi nghe lãnh đạo họp dân phổ biến và chúng tôi được tham gia từng công việc thì ai cũng ủng hộ. Tôi không hiến đất nhưng cũng có hàng chục ngày công mở đường, khai thông cống rãnh. Bữa nay thì đi đến đây cũng là đường về thôn rồi”.

Toàn xã có trên 50 km đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn, ngõ xóm. Trong đó, trên 46 km đã được bê tông hóa. Số ít còn lại đã được nắn tuyến, mở nền và đang được tiếp tục đầu tư cứng hóa. “Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nội đồng hơn 10 km được đổ cấp phối, cơ bản đáp ứng việc đi lại thuận lợi của nhân dân trong sản xuất, đưa xe cơ giới ra đồng ruộng”, bà Thao cho biết thêm.

Để có được kết quả trên, Hương Hóa đã vận dụng nhiều kênh vốn khác nhau. Trong đó chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện. Đồng thời vận động các doanh nghiệp, con em và nhân dân tự nguyện đóng góp thêm. Trong tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng, đã có gần 26 tỷ đồng từ ngân sách xã, vốn lồng ghép các chương trình, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

Ông Cao Phương Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Hóa nhìn nhận, mục tiêu xây dựng NTM là chủ trương lớn và tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ đó, đem lại nhiều kết quả phấn khởi và hiện nay đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân đã được nâng lên. Các công trình, cơ sở hạ tầng, cơ sở thiết chế văn hóa được xây dựng và nâng cấp rõ nét.

“Hiện nay, bà con rất vui mừng phấn khởi khi xã đã được về đích NTM đúng với những gì mà bà con mong đợi. Vì đây cũng là động lực giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống ”, ông Hướng nói thêm.  

Nâng cao thu nhập người dân

Qua 10 năm xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hương Hóa được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 tăng lên gần 31 triệu đồng và đến nay đã đạt trên 33 triệu đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. Toàn xã có 990 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo trước đây chiếm gần 40%, bất giờ giảm xuống chỉ còn dưới 5%. Hệ thống cơ cở vật chất, hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư để phục vụ người dân một cách hiệu quả.

Để người dân có thu nhập ổn định và tăng trưởng, Hương Hóa chú trọng việc hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã, chủ trương của địa phương là phát huy thế mạnh của từng vùng đất, khu dân cư để đưa ra định hướng phù hợp.

Những năm gần đây, phong trào xóa bỏ vườn tạp, cơ cấu các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa mang tính tập trung đã được đẩy mạnh. Trên 30 ha diện tích trồng bưởi tập trung đã cho hiệu quả cao. Nhiều gia đình kết hợp với chăn nuôi gia trại quy mô nhỏ để tận dụng sản phẩm phụ từ kinh tế vườn.

08-39-09__3-_pht_huy_the_mnh
Phát huy thế mạnh nuôi ong lấy mật.

Phát triển rừng trồng kinh tế cũng là một thế mạnh của địa phương. Đến nay, gần một nửa số hộ trong xã tham gia phát triển rừng trồng. Hiện toàn xã có diện tích rừng gần 800 ha, sẽ góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Chúng tôi về thôn Tân Đức trên con đường bê tông trải rộng. Hai bên đường, những ngôi nhà xây kiên cố nằm lọt giữa vườn cam, bưởi đã cho thu hoạch. Ông Võ Văn Mạnh, trưởng thôn cho hay, thôn có gần 250 hộ dân cơ bản vẫn sản xuất nông nghiệp. Sau khi được hỗ trợ kỹ thuật, các gia đình bắt tay cải tạo vườn tạp, tập trung trồng cam, bưởi có giá trị cao.

Những hộ có điều kiện thì làm trang trại chăn nuôi gà, lợn dưới tán cây hoặc đầu tư nuôi ong lấy mật. Từ chỗ là thôn nghèo của địa phương, Tân Đức đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo ông Võ Văn Mạnh, trong thôn hiện có hơn 10 hộ có vườn bưởi cho thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng. “Nếu kết hợp cả chăn nuôi gà, lợn, nuôi ong thì còn cao hơn nhiều. Riêng gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng”, ông Mạnh nói.

Phía trước thôn, cánh đồng lớn đang nhộn nhịp người đi gieo lúa. Ruộng nương trước đây mương máng chưa có, nhưng hôm nay cũng đã giải phóng được, bê tông hóa đưa được nước về tận ruộng.

Ông Võ Văn Thế, một nông dân trong thôn, dừng tay làm, nói vui: “Nhờ vậy, mùa màng năng suất cao. Đời sống vật chất bà con đi lên rõ rệt. Ai cũng vui mừng”.

Nguồn: https://nongnghiep.vn