Nông nghiệp vươn mình

Năm 2019, sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Nông tăng trưởng đạt 5,8% (cả nước 2,01%), nhưng đồng thời cũng chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, giá cả hàng hóa bấp bênh… Tham gia Chương trình Bức tranh kinh tế năm 2019 do Báo Đắk Nông thực hiện với chủ đề “Nông nghiệp vươn mình”, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những trao đổi về kết quả sản xuất nông nghiệp năm qua và định hướng, mục tiêu trong năm 2020.

 

Chương trình Bức tranh kinh tế 2019

PV: Với vai trò quản lý ngành Nông nghiệp và PTTN tỉnh Đắk Nông, theo bà trong các kết quả đạt được thì kết quả nào quan trọng, đáng ghi nhận nhất?

Bà Nguyễn Thị Tình: Năm 2019, sản xuất nông nghiệp có một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: Trồng rừng (1.247,3 ha rừng, đạt 124,7%); chỉ tiêu về cấp nước tưới cho cây trồng có nhu cầu tưới (78% diện tích), đạt kế hoạch đề ra. Điều này đã khẳng định được tính kịp thời và hiệu quả của những giải pháp trong chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để các ngành, địa phương vào cuộc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi và cấp thoát nước đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng được nhu cầu tốt hơn cho người dân.

PV: Có thể thấy rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả sang những cây trồng có hiệu quả cao hơn đã có những kết quả khả quan. Bà đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2019?

Bà Nguyễn Thị Tình: Năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 3.500 ha đất được người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tín hiệu thị trường cũng như là khắc phục diện sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như: Lúa, ngô, rau. Một số diện tích đất cũng được chuyển sang trồng cây ăn trái (cây mít) để bảo đảm và nâng cao thu nhập cho người dân.

PV: Thực tế, trước những tác động của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã đòi hỏi người nông dân ở các địa phương phải thích ứng, chuyển đổi ngay sản xuất để bảo đảm đời sống. Bà đánh giá như thế nào về cách làm của những nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất sau đợt dịch tả lợn châu Phi thời gian qua?.

Bà Nguyễn Thị Tình: Trong thời gian xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông dân trong tỉnh đã nhanh nhạy thích ứng chuyển đổi mô hình sản xuất. Điều này cũng cho thấy tính năng động, sáng tạo của nông dân. Tuy nhiên, về phía ngành Nông nghiệp thì ngoài việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại (do dịch tả lợn châu Phi) khôi phục sản xuất thì ngành cũng tăng cường công tác định hướng để bảo đảm cơ cấu chăn nuôi cho hợp lý. Cùng với việc hướng dẫn chăn nuôi an toàn, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân phát triển cơ cấu chăn nuôi cho phù hợp với địa phương để hạn chế rũi ro xảy ra…

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông tham gia Chương trình Bức tranh kinh tế 2019

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu: Đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra tình trạng một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Để thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tỉnh xác định 3 trụ cột để phát triển. Một trong 3 trụ cột đó là “phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”.

Vậy, bà có thể nói khái quát về lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm vừa qua?

Bà Nguyễn Thị Tình: Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong những năm qua, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng và đã đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 271 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 54 tỷ đồng; bình quân đạt 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương đã được chủ động áp dụng với diện tích trên 69.000 ha, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chủ lực.

Mặc dù, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng thực tế một số chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2019 chưa đạt được…

Biểu đồ tình hình Dịch tả lợn châu Phi ở Đắk Nông năm 2019
  Những khoảng lặng trong sản xuất nông nghiệp 2019

Tháng 5/2019, liên tiếp người dân thị xã Gia Nghĩa phát hiện lợn chết vứt dọc đường. Kết quả xét nghiệm 3 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Trong vài tháng, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 308 hộ gia đình, ở 50 xã, phường, thị trấn của 8 huyện và thị xã. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 4.500 con, gây thiệt hại rất lớn trong chăn nuôi.

Không chỉ dịch bệnh, trong năm 2019, nông nghiệp Đắk Nông còn chịu tác động bởi thiên tai với nhiều trận bão và mưa lớn gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Riêng sản xuất nông nghiệp: Hơn 700 ha lúa bị ngập; 622 ha cây trồng bị gãy đổ; 1.879 con gia cầm, gia súc bị chết; hơn 200 căn nhà bị ngập và tốc mái…

PV: Trong năm 2019, tình hình thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người nông dân ở Đắk Nông. Vậy xin bà phân tích thêm về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Tình: Điều này có thể nói lên rằng, ngành Nông nghiệp, người nông dân là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ dịch bệnh và thiên tai. Cũng chính vì thế, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như thiên tai trên địa bàn tỉnh càng cần được coi trọng hơn.

Ngoài việc xây dựng kế hoạch, công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó và thích ứng với thiên tai, dịch bệnh từ người dân để hạn chế thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền, cơ quan chức năng, địa phương hỗ trợ người dân cũng rất quan trọng…

PV: Nói đến câu chuyện sản xuất bếp bênh như việc trồng hồ tiêu ở xã Nâm N’jang (Đắk Song) mà Báo Đắk Nông từng phản ánh thì có rất nhiều điều phải bàn. Đứng ở góc độ ngành, bà đánh giá đâu là hoạt động quan trọng nhất trong quá trình phát triển nông nghiệp ở Đắk Nông hiện nay?.

Bà Nguyễn Thị Tình: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông những năm gần đây luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Qua câu chuyện người dân trồng hồ tiêu ở xã Nâm N’jang đã cho thấy, khâu quan trong nhất vẫn là tổ chức sản xuất. Nếu nông dân cứ giữ quan điểm sản xuất theo hướng tự phát, không có sự liên kết thì không thể bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Về phía ngành, trong thời gian tới phải làm tốt cho khâu hướng dẫn cho người dân tổ chức lại sản xuất. Trong đó, vai trò của hợp tác xã trong sản xuất là cầu nối từ thu gom sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất.

PV: Vậy để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thì “mắt xích” nào cần phải khắc phục sớm nhất?.

Bà Nguyễn Thị Tình: Trước tiên, mắt xích trong chuỗi liên kết sẽ tập trung cho công tác hỗ trợ các hợp tác xã để làm cầu nối cho người sản xuất, cụ thể là tập trung vào chế biến sâu để bảo đảm cho sản phẩm nông nghiệp nâng cao được giá trị sản phẩm; đồng thời, gắn kết được hợp tác xã với người sản xuất theo chuỗi giá trị. Cách làm này sẽ khắc phục dần tình trạng sản xuất thiếu ổn định như bây giờ.

PV: Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Nông, theo bà các chính sách hỗ trợ đã được triển khai như thế nào? 

Bà Nguyễn Thị Tình: Ngoài chính sách chung của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã được Tỉnh ủy ban hành một số nghị quyết như: Nghị quyết về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Nghị quyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp…

Mới đây nhất, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nghị quyết có nội dung hỗ trợ cụ thể như: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết. Tổng mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng cho 1 dự án liên kết. Đối với dự án liên kết, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị (gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất); tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng… Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng đã có nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất cho nhà đầu tư vào nông nghiệp, cũng như chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ hạ tầng. 

PV: Trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, về tổng thể vẫn còn nhỏ bé. Để doanh nghiệp trong lĩnh vực này lớn mạnh hơn thì chúng ta cần phải làm gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Tình: Về phía tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác cải cách hành chính… sát yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Tuy nhiên,  để doanh nghiệp lớn mạnh, bản thân họ cũng phải chủ động phát huy nội lực của mình để cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lớn mạnh…

BTV Báo Đắk Nông phân tích về sản xuất nông nghiệp

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh bằng 3 hướng: Tổ hợp công nghiệp bô xít-nhôm -sắt xốp; phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

Như vậy nông nghiệp có vai trò khá quan trọng trong các mục tiêu phát triển.  Theo bà, để nông nghiệp Đắk Nông phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2020 thì ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Bà Nguyễn Thị Tình: Để nông nghiệp Đắk Nông phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra thì trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra 11 nhiệm vụ chính. Đáng chú ý là toàn ngành tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên từng lĩnh vực. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ nâng cao chất lượng định hướng, dự báo trong ngắn hạn và dài hạn; gắn phát triển nông nghiệp nông thôn với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Toàn ngành cũng sẽ làm tốt công tác quản lý; nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế như: Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để gia tăng giá trị hàng hóa của người dân; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Ngành chú trọng thực hiện tốt cơ cấu tỷ trọng trong ngành, như chăn nuôi thì phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ và một số con đặc sản của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng triển khai tốt việc ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, sản phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, tín dụng đầu tư…

 

Nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững

Năm 2020, nông nghiệp Đắk Nông đề ra mục tiêu: Tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm thủy sản đạt trên 5%; tăng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 25 xã); đáp ứng 80% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; có 90% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

Trong sản xuất: Tổng diện tích gieo trồng 323.400 ha, tổng sản lượng lương thực 470.720 tấn. Chăn nuôi: Tổng đàn trâu 5.200 con; đàn bò 36.000 con; đàn lợn 265.000 con; gia cầm 2.750.000 con. Nuôi trồng thủy sản 1.750 ha, sản lượng 6.420 tấn.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn