Đắk Mil đẩy mạnh sản xuất cà phê hữu cơ

Theo xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, chất lượng cao, nhiều nông dân ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã chuyển đổi phương thức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.

Hướng tới sản xuất cà phê bền vững

Vườn cà phê hơn 4 ha của gia đình ông Nguyễn Ngọc Cao, ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil) vẫn xanh mướt giữa mùa khô, trái chín mọng đang được gia đình ông thu hoạch. Ông Cao trồng giống cà phê dây, nên thời gian thu hoạch chậm hơn các giống cà phê khác trên địa bàn. Giống cà phê dây mang nhiều ưu điểm như trái to, cành dài, dễ hái, chống hạn tốt, chín đều…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cà phê sau thu hoạch được ông Nguyễn Ngọc Cao, ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil) phơi trên sàn lưới

Ông Cao cho biết, để sản xuất cà phê hữu cơ, ông đã chuẩn bị từ 5 năm trước. Ngoài thay đổi quy trình sản xuất, ông tập trung cải tạo đất, không sử dụng thuốc diệt cỏ và một số thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Qua thời gian áp dụng, ông thấy cách làm này hiệu quả hơn cách sản xuất truyền thống, cây cà phê phát triển tốt, bền vững, với mức đầu tư không cao. Ngoài ra, để chất lượng sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất, gia đình ông tiến hành thu hái cà phê chín 100% và phơi nguyên trái trên hệ thống giàn lưới. Hiện nay, gia đình ông đã liên kết với Công ty Cà phê Gia Vi thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 15.000 – 20.000 đồng/kg cà phê nhân.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Quốc Vương, ở thôn Đức An, xã Thuận An, cũng có 3,1 ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ 6. Vườn cà phê gia đình anh Vương áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ từ 5 năm nay. Theo đó, quy trình sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt những loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để hạt cà phê đạt được chất lượng theo quy chuẩn chung.  Ngoài ra, quá trình thu hái cũng quyết định chất lượng cà phê. Do đó, gia đình anh luôn thu hái cà phê chín trên 80%. Trong sản xuất cà phê hữu cơ phải đặc biệt chú ý đến đất để phát triển bền vững. Đất phải được cải tạo và bổ sung các chất thường xuyên. Với cách làm của mình, vườn cà phê của gia đình anh Vương thường đạt năng suất 5 tấn/ha/vụ. “Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ là cách làm thuận theo tự nhiên, hướng phát triển bền vững, mang lại cho người sản xuất nhiều lợi ích trong đầu tư, sản xuất”, anh Vương cho biết.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, các mô hình sản xuất cà phê hữu cơ trên địa bàn đều có sản lượng cao hơn khoảng 2 lần so với cà phê bình thường. Đối với giá cả, cà phê hữu cơ được người dân bán cao hơn so với cà phê thường từ 15.000-20.000 đồng/kg. Các gia đình sản xuất cà phê hữu cơ cũng đã kết nối được với các cơ sở rang xay, thu mua cà phê để tiêu thụ sản phẩm. So với cà phê truyền thống hiện nay, cà phê hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, mang tính bền vững hơn.

Cà phê hái chín để tăng chất lượng hạt, bán được giá

Đồng hành cùng người sản xuất cà phê hữu cơ

Thời gian qua, xã Thuận An đã phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Orga cà phê Thuận An đồng hành, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất cà phê hữu cơ. HTX tiến hành liên kết với 10 hộ sản xuất cà phê hữu cơ và hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chỉ dẫn địa lý, thị trường tiêu thụ. HTX cũng hỗ trợ người dân về thực hiện các thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng nhật ký sản xuất online. Hằng tháng, cán bộ kỹ thuật của HTX cũng xuống vườn cà phê từ 1 – 2 lần để kiểm tra quy trình chăm sóc. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá cao hơn thị trường 15 – 20 ngàn đồng/kg.

  Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, trên địa bàn huyện hiện có 5 điểm nhóm sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tại các xã Thuận An, Đức Mạnh, Đức Minh và Đắk Sắk, với trên 3.000 ha. Tổng cộng, đã có 350 hộ dân tham gia sản xuất cà phê hữu cơ. Ngoài ra, có 3 tổ chức, HTX đã liên kết với người dân để phát triển cà phê hữu cơ.

 

Ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho hay, thời gian qua, người dân đã chuyển đổi phương thức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua các mô hình này đã cho thấy năng suất, chất lượng cũng như sự phát triển của cây cà phê rất tốt, đầu ra sản phẩm được cam kết thu mua cao hơn thị trường. Trong thời gian tới, xã Thuận An tiếp tục vận động người dân trên địa bàn tăng cường sản xuất, mở rộng diện tích cà phê theo hướng hữu cơ.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, cùng với chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí nâng cao và thực hiện chương trình OCCOP của tỉnh, huyện Đắk Mil đã tích cực tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua các năm, các hộ sản xuất cà phê hữu cơ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thị trường ổn định. Để đồng hành với người dân, huyện đang kết nối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cà phê trong và ngoài tỉnh để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm cà phê hữu cơ. Hiện nay, đã có 4 doanh nghiệp kết nối với người dân để sản xuất cà phê hữu cơ tương đối ổn định.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn