Những sáng kiến độc đáo chống hạn ở Tây Nguyên

 Bơm nước lên núi, xây bể trên cao hay làm hồ bậc thang,… là những sáng kiến mà một số địa phương đang đề xuất hoặc triển khai để ứng phó với khô hạn.

Giữa cao điểm mùa khô, huyện biên giới Cư Jút tỉnh Đắk Nông thiếu nước trầm trọng. Nước mặt, nước ngầm quanh vùng đều đã cạn kiệt, kéo theo những vườn cà phê, hồ tiêu và những vườn cây ăn trái như bơ, sầu riêng đang dần khô héo, nhiều vườn cây đã chết cháy. Một vài nơi, người dân gắng gượng cứu hạn cho cây trồng nhưng bất thành. Từ thị trấn Ea Tling, qua xã Nam Dong, đến xã Ea Pô, rồi xã Đăk Wil, đâu đâu cũng thấy cảnh vườn cây điêu tàn vì hạn. Đứng trên đỉnh cao nhất trong dãy núi Ea Pô, một bên là hồ thủy điện Sêrêpôk 3 mênh mông nước, một bên là cảnh cây trồng khô cháy, ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Jút không khỏi xót xa và tiếc nuối: “giá như nước của sông Sêrêpôk có thể bơm lên tưới cho cây trồng”.

Ông bắt đầu nói về sáng kiến bơm nước lên núi của huyện. Một hoặc một vài trạm bơm sẽ được xây dựng để bơm nước từ sông Sêrêpôk lên trên núi. Nhờ áp lực nước khi được bơm lên cao nên chỉ cần làm các hồ trung chuyển quy mô nhỏ chừng vài ha trên núi, sau đó làm hệ thống ống dẫn nước xuống núi, tỏa đi quanh vùng, tưới cho cây trồng. Phương án cấp nước cho sản xuất này tương tự như cách thức cấp nước cho sinh hoạt đang triển khai ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Theo ông Hồ Sơn, việc xây dựng trạm bơm là cấp thiết vì ở khu vực phía Tây của
huyện bao gồm các xã Nam Dong, Ea Pô và Đăk Mil, Đăk Đrông hầu hết không có hồ chứa. Nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất mùa khô rất khó khăn, thiếu nước mỗi năm một trầm trọng. Về tính khả thi, ông Hồ Sơn cho biết, khu vực đề xuất đặt trạm bơm không quá cao, độ cao của núi chỉ hơn 300m. Độ chênh cao với bề mặt sông Sêrêpôk chỉ khoảng 100m. Việc lắp đặt và vận hành trạm bơm có thể thực hiện được. Vấn đề ở đây là nguồn vốn để làm hệ thống ống dẫn nước cho khoảng 5.000ha cây trồng trong vùng, chủ yếu là cây cây công nghiệp.

Về sáng kiến trạm bơm nước lên núi, ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục
thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã nhận được kiến nghị của huyện Cư Jút. Công trình trạm bơm nước cũng đã được tỉnh đưa vào dự thảo quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT lấy ý kiến. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ công trình có được phê duyệt trong quy hoạch hay chưa. Về phía tỉnh, với một công trình cấp nước cho 5.000ha thì đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nếu dùng ngân sách của tỉnh thì rất khó, do đó khi khảo sát, đánh giá mà thấy khả thi thì tỉnh cũng phải đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành xem xét hỗ trợ mới có thể triển khai

Nguồn: Bản tin Điểm báo ngày 11/5/2020