Tìm lối thoát cho nhiều công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên

Thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về “sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp”

Thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về “sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp”, đến nay, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực để “làm mới”. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp trong tình trạng “bình mới rượu cũ”, thậm chí rơi vào thế bế tắc, “chết lâm sàng”, không lối thoát…Thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ, giữa tháng 4/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án sắp xếp, đổi mới đối với các công ty lâm nghiệp” trên địa bàn. Đến nay, đã có 7 công ty lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới, trong số này có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong). Doanh nghiệp này đang quản lý hơn 8.000ha đất và rừng, trong đó, diện tích có rừng hơn 4.700ha, đất sản xuất nông nghiệp hơn 3.200ha và gần 300ha đất phi nông nghiệp. Theo quy định, sau đổi mới, công ty sẽ được giao nhiệm vụ tự chủ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Lại Thế Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa cho biết hiện đơn vị chỉ cần cố gắng giữ chân cán bộ, nhân viên yên tâm ở lại quản lý, bảo vệ rừng là “đã thành công lắm rồi!”.

Là người đã từng gắn bó với đơn vị từ thời còn là lâm trường, rồi đến công ty lâm
nghiệp và giờ là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa nên ông Bình rất am hiểu những khó khăn hiện tại. “Sau nhiều năm đổi mới thì hiện tại hoạt động của đơn vị ngày càng khó khăn hơn. Vào thời điểm lâm trường, hay công ty lâm nghiệp thì đơn vị còn có nguồn thu từ khai thác lâm sản. Thế nhưng, từ khi Nhà nước đóng cửa rừng, nguồn thu của công ty cũng không còn”, ông Bình nói. Sau khi sắp xếp, đổi mới, nguồn kinh phí của công ty không bảo đảm. Trung bình nguồn thu hàng năm của đơn vị được khoảng 2,35 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (khoảng 1,4 tỷ đồng) và nguỗn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (khoảng 950 triệu đồng). Số tiền này không đủ chi trả lương và các khoản bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Trong khi đó, đối với nhiệm vụ giữ rừng thì phải trực cả ngày lẫn đêm, nhưng thực tế người lao động chỉ nhận được một ít gọi là “động viên”. “Giờ đơn đặt mục tiêu giữ ổn định diện tích rừng, đất rừng là quan trọng nhất. Cũng vì lo giữ cho được diện tích rừng, đất rừng ổn định, nên chuyện tìm kiếm nguồn lực để phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh như trong đề án sắp xếp, đổi mới đều phải gác lại”, ông Bình cho biết. Không riêng gì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, trong tổng số 7 đơn vị được sắp xếp, đổi mới ở Đắk Nông hiện đang rơi vào tình trạng chung là “chết lâm sàng”. Như tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, vào đầu năm 2018, sau khi sắp xếp, đổi mới, bộ máy lãnh đạo Công ty này được thay hầu
như hoàn toàn từ vị trí cao nhất (chủ tịch công ty) cho đến các trưởng phòng…
Ngành Lâm nghiệp Đắk Nông hy vọng doanh nghiệp này sẽ được quản lý, điều
hành tốt hơn, là đơn vị đi đầu sau đổi mới… Tuy nhiên thực tế rất trái với những gì mong đợi. Theo một số nhân viên ở đơn vị này, chỉ trong vòng gần 1 năm trở lại đây, hàng loạt cán bộ, nhân viên đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác đi nơi khác chỉ vì bất mãn với cách điều hành, quản lý của lãnh đạo. Chính sự mất đoàn kết nội bộ trong đơn vị đã dẫn đến công tác quả lý, bảo vệ rừng ở đơn vị này trở nên sa sút trầm trọng. Hàng loạt vụ phá rừng đã xảy ra trên lâm phần của đơn vị, trong đó, vụ phá rừng tai tiếng nhất xảy ra tại Tiểu khu 1680, khiến gần 15ha rừng bị tàn phá. Điều đáng nói là trong vụ phá rừng này có sự tiếp tay, nhận hối lộ của cán bộ quản lý bảo vệ rừng của công ty. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng này là hàng loạt cán bộ, lãnh đạo, nhân viên của công ty bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự…Tình trạng cũng xảy ra tương tự tại các Công ty Lâm nghiệp ở Đắk Lắk. Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, trên địa bàn hiện có 25 công ty nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý đã được Thủ tướng phê duyệt các phương án sắp xếp, chuyển đổi. Trong đó, 6/25 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp giữ nguyên mô hình 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực công ích về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, 19/25 công ty đã và đang thực hiện công tác sắp xếp, chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang thành công ty cũng không khác gì mấy so với còn lâm trường quốc doanh. Tài nguyên rừng tiếp tục suy giảm, thu hẹp, đời sống công nhân viên gặp khó khăn. Trong đó có nhiều công ty không có nguồn tài chính để hoạt động, nhân lực tham gia quản lý bảo vệ rừng mỏng, nợ lương công nhân kéo dài nên đành “bất lực” để hàng nghìn ha rừng bị “lâm tặc”, đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch đến khai thác, lấn chiếm trái phép…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết, hiện hầu hết các công ty lâm nghiệp
trên địa bàn không có ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế, hoạt động hiện vẫn là quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. “Vốn tích lũy không có, cơ chế tạo vốn chưa rõ ràng, rồi gánh nặng tiền thuê đất, bộ máy cồng kềnh… là những khó khăn, vướng mắc mà các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải”, vị lãnh đạo này nêu thực trạng.

Nói về câu chuyện mở rộng sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau
sắp xếp, đổi mới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đắk Nông cho rằng, cơ chế tài chính, tự chủ ở các đơn vị lâm nghiệp chưa có. “Ngay trong báo cáo đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp của UBND tỉnh cũng cho thấy, các đơn vị chủ yếu vẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, còn các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác không đáng kể”, ông Tuấn Anh nêu.

Nguồn: Điểm báo ngày 20/5/2020