HUYỆN ĐĂK R’LẤP- SỨC BẬT TỪ NỀN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO.

Trong những năm qua, tại huyện Đắk R’Lấp, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ yếu trong nền kinh tế và thu nhập của đại đa số nhân dân. Phát triển theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó duy trì tổng diện tích cây trồng nông nghiệp đạt 36.774ha. Vài năm nay, nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nhiều nông dân ở huyện đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn huyện người dân đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao. Trong đó phải kể đến xã Kiến Thành, đây là địa phương khá thành công với những mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như anh Ngô Xuân Toản ở thôn 5. Nhận thấy sau 20 năm, các diện tích cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu đã không còn mang lại giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, trước thời kỳ bão giá như hiện nay, anh Toản đã tiến hành chuyển đổi 400 cây công nghiệp các loại sang đầu tư 500 triệu đồng xây dựng 1.620 m2 nhà kính để trồng dưa lưới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

(Sản phẩm dưa lưới của anh Ngô Xuân Toản ở thôn 5 xã Kiến Thành huyện Đăkr’lấp)

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Đắk RLấp gieo trồng được 212 ha lúa nước. Năm nay, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đắk R’Lấp tỉnh Đăk Nông đã đưa vào gieo trồng thử nghiệm giống lúa thuần OM 448 thay thế giống lúa nhị ưu 838 tại Bon Pinao xã Nhân Đạo trên tổng diện tích 0,4 ha với sự tham gia của 03 hộ gia đình. Qua đánh giá bước đầu cho thấy giống lúa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương, năng suất đạt khá, ít sâu bệnh và có thể làm giống cho những vụ sau. Đặc biệt, rất phù hợp với những chân ruộng cao, có độ nhiễm phèn lớn. Năng suất bình quân 7 tấn/ha.

(Năng suất giống lúa mới OM bình quân đạt 7 tấn/ha)

Từ lâu, được biết đến là một huyện thuần nông với 80% dân số phát triển kinh tế nhờ nông nghiệp. Để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp, địa phương đã thành lập nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trồng, tiêu thụ và chế biến nông sản. Để đạt được kết quả trên, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay toàn huyện có trên 20 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và trên 500ha ứng dụng một phần công nghệ cao, đóng vai trò là tiền đề để nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Ngoài ra, huyện còn thực hiện 21 mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả; triển khai đề án cải tiến chất lượng giống bò thịt với số lượng 45 con. Tiếp tục phát triển mô hình sản xuất trang trại có tính chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ cao với 53 trang trại. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết các hộ nông dân để phát triển nông nghiệp với quy mô lớn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, quan tâm đào tạo nghề để nâng cao trình độ sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 26 HTX sản xuất nông nghiệp, 10 Tổ hợp tác.

Cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, huyện còn quan tâm tạo dựng các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, giữa những người nông dân với nhau. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hợp tác cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm hoặc cùng đầu tư làm ăn với nông dân để tạo ra nhiều sản phẩm lớn, có chất lượng đồng đều và giá thành rẻ; nông dân liên kết với nhau để sản xuất cùng loại mặt hàng, cùng tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn số lượng nhiều. Có thể khẳng định, việc tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Từ kết quả đạt được bước đầu, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung nguồn lực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Với những kết quả trên đã góp phần không nhỏ trong việc đưa nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, phát triển ổn định theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng có bước phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Kết quả: trong 5 năm qua từ năm 2015-2020, tổng giá trị gia tăng ước đạt 3.800 tỷ đồng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.700 tỷ đồng; quy mô nền kinh tế tăng 1,43 lần; tăng trưởng bình lĩnh vực nông nghiệp 8,4%, quy mô tăng 1,4 lần. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 60 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt từ khi chương trình nông thôn mới được triển khai tại địa phương đã góp phần đưa thu nhập của người dân ngày một phát triển.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang tập trung phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy quá trình đưa công nghệ cao vào sản xuất./.

                                                          Tác giả: Ngô Tấm