Kinh tế khu vực biên giới ngày càng phát triển toàn diện

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Các địa phương khu vực biên giới hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp vững chắc, có cây trồng chuyên biệt vùng, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường…

Hình thành vùng chuyên canh cây chủ lực

Các xã biên giới của tỉnh Đắk Nông gồm Đắk Wil (Cư Jút); Đắk Lao và Thuận An (Đắk Mil); Thuận Hạnh và Thuận Hà (Đắk Song); Đắk Búk So và xã Quảng Trực (Tuy Đức). Khu vực biên giới của tỉnh Đắk Nông có 151.223 ha đất tự nhiên, chiếm 23,3% diện tích của tỉnh. Toàn vùng có 17.070 hộ dân, với 70.687 nhân khẩu thuộc 27 dân tộc. Tỉ lệ hộ nghèo tại khu vực biên giới chiếm 5,9%.

Người dân khu vực biên giới xã Đắk Lao phát triển mô hình xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5/6/2020 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới giai đoạn 2006 – 2020, các khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Người dân các xã biên giới đã được hưởng thụ các chính sách tín dụng ưu đãi, dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm và các Chương trình 135, 134.

Tính đến năm 2019, tổng diện tích đất nông nghiệp ở biên giới khoảng 150.552 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 142 ha, mặt nước nuôi trồng thủy sản 323 ha, cây lương thực có hạt 7.430 ha. Sản lượng lương thực khu vực biên giới đạt bình quân 48.665 tấn/năm. Đến nay, khu vực biên giới cơ bản đã hình thành các vùng chuyên canh cây chủ lực như khoai lang Nhật Bản, mắc ca, các loại đậu, bơ, cà phê, bông vải, cao su… Một số mô hình chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả, có nhiều triển vọng phát triển, khai thác được lợi thế, tiềm năng của khu vực.

Các chương trình làm nhà ở, khai hoang đất, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con cũng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Đến nay, các tổ chức, đoàn thể đã xây dựng được 150 căn nhà hỗ trợ cho dân. Chính quyền các địa phương cũng đã cấp 280 ha đất sản xuất cho 150 hộ khu vực biên giới…

Hạ tầng ngày càng phát triển

Hệ thống giao thông khu vực biên giới thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông, giao thương hàng hóa của người dân, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, quốc lộ 14C chạy dọc vùng biên giới cơ bản đã được nhựa hóa toàn tuyến. Dự kiến, trong thời gian tới, các đoạn xung yếu sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng (đội mũ xanh) kiểm tra việc thực hiện dự án ổn định khu vực biên giới giai đoạn 2 tại huyện Tuy Đức 

Tỉnh lộ 6 kết nối huyện Tuy Đức với quốc lộ 14 và quốc lộ 28 cũng liên tục được đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư dự án phát triển hạ tầng biên giới nối quốc lộ 14 với Cửa khẩu Bu Prăng, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đến nay, 7/7 xã biên giới đã hình thành được mạng lưới giao thông liên thôn đến với trung tâm các xã, với tổng chiều dài 158 km…

Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động Nhân dân, khu vực biên giới đã triển khai đầu tư mới các công trình đầu mối và hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu; sửa chữa, nâng cấp các công trình cũ thủy lợi. Tại khu vực biên giới đang có 36 hồ đập thủy lợi, 52 km kênh mương, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 7.442,5 ha đất nông nghiệp trên địa bàn. Trên 95% hộ gia đình các xã biên giới có nước sạch sử dụng…

 Đến nay có 3 xã biên giới gồm Thuận An, Đắk Wil, Thuận Hạnh đạt chuẩn NTM; 4 xã còn lại đạt bình quân 15,7 tiêu chí/xã. Hoạt động xuất khẩu khu vực biên giới tăng trưởng mạnh qua từng năm và dự kiến đến năm 2020 đạt 15,5 triệu USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2016.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tích cực vận hành nguồn vốn Trung ương để ưu tiên, sớm triển khai thực hiện, hoàn thành các dự án khu vực biên giới như: Dự án quy hoạch ổn định dân cư biên giới xã Quảng Trực (giai đoạn 2); Dự án ổn định  định cư tự do tại xã Quảng Trực và xã Đắk Ngo;  Dự án bảo đảm an ninh quốc phòng; Dự án phát triển kinh tế – xã hội quy mô, hoạt động lớn đến khu vực biên giới…

UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao tại các địa bàn biên giới. Tỉnh cũng đặc biệt lưu ý phát huy lợi ích, chức năng của cửa khẩu Bu Prăng và cửa khẩu Đắk Peur để phát triển mạng lưới thương mại và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia lưu thông hàng hóa, tạo động lực cho sản xuất, dịch vụ phát triển ở các vùng biên giới…

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/