Xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Đắk Nông

Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiện nay, ngành chức năng đang triển khai các giải pháp để hiện thực mục tiêu nghị quyết này, với mục tiêu xây dựng mới từ 5-7 chuỗi liên kết giá trị; hình thành 50 liên kết trong sản xuất nông nghiệp cho các nhóm nông sản chủ lực.

Kỳ 1: Thực trạng xây dựng các chuỗi giá trị 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, nhưng chưa đủ mạnh, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng này đã được tỉnh nhìn nhận một cách rõ ràng và tạo cơ chế để phát triển các chuỗi giá trị một cách căn cơ hơn.

Phát triển chưa tương xứng

Đắk Nông hiện có 167 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nhóm hộ tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết chủ yếu tập trung trên các khâu như: cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào; tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến; tiêu thụ sản phẩm… Các chuỗi liên kết tạo ra các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Tổng diện tích trồng trọt có liên kết sản xuất là hơn 25.600 ha. Lĩnh vực chăn nuôi có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã và 68 hộ dân liên kết với Công ty Cổ phần CP Việt Nam; 22 hộ liên kết với HTX Đồng Tiến và HTX Tiến Thành (Đắk R’lấp).

Cây điều có diện tích khá lớn nhưng Đắk Nông chưa xây dựng được chuỗi giá trị này. Ảnh: Hồng Thoan

Qua đánh giá của ngành chức năng, nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đã đạt được hiệu quả, ổn định lâu dài, tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến, nhờ có sự liên kết mà quy mô sản xuất được mở rộng, tăng nguồn vốn đầu tư.

Liên kết đã tạo ra nhiều sản phẩm mang tính hàng hóa, chất lượng đồng đều, có giá trị cao. Các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi liên kết ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc hình thành, phát triển chuỗi giá trị chưa nhiều. Trong đó, diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi còn ít. Các “mắt xích” trong chuỗi liên kết còn rời rạc, thiếu chặt chẽ, chưa khoa học.

Quá trình liên kết thiếu sự ràng buộc, gắn bó, nên vẫn xảy ra tình trạng các bên không thực hiện cam kết, tranh giành thị phần, phá vỡ hợp đồng liên kết…

Chẳng hạn, năm 2020, nhiều nông dân ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), liên kết với 1 công ty để sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Thế nhưng, do hợp đồng liên kết không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, nên đến mùa thu hoạch hồ tiêu, công ty đã hạ giá, ép giá đột ngột, khiến những hộ tham gia liên kết chịu thiệt hại về kinh tế.

Chăn nuôi bò thịt cũng chưa có chuỗi liên kết giá trị. Ảnh: Hồng Thoan

Ông Đ.T.H, một trong những hộ tham gia chuỗi liên kết này cho biết, công ty từng tổ chức các cuộc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu cho nhiều nông dân trên địa bàn. Bà con cũng đã quen với cách làm hồ tiêu hữu cơ, thực hành các quy tắc để làm ra sản phẩm an toàn.

Tuy nhiên, sau đó công ty đưa lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên hạ giá tiêu hữu cơ gần bằng với giá hồ tiêu thông thường. “Điều này khiến cho những người trồng hồ tiêu hữu cơ gặp nhiều khó khăn, không thu hồi được vốn”, ông H phản ánh.

Tương tự, 4 năm qua, trên địa bàn xã Đắk Búk So (Tuy Đức), nhiều hộ dân đã liên kết với một công ty ở Lâm Đồng để trồng 10 ha bí đao làm nguyên liệu sản xuất nước uống, mứt. Những năm trước, đến mùa thu hoạch, công ty đều đến tận vườn thu mua bí, giá cả cũng ổn định. Thế nhưng năm nay, đến mùa thu hoạch bí, công ty không thu mua, khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao.

Anh N.V.L, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, buồn rầu cho biết: Năm nay, gia đình vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư trồng 4 ha bí đao. Nhưng đến kỳ thu hoạch, đơn vị liên kết thất hứa, nên bí hư hỏng, chỉ thu được một nửa sản lượng, tương đương khoảng hơn 100 tấn, giá bán cũng thấp. Gia đình bị thiệt hại và chịu lỗ nặng.

Nông dân thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) liên kết xây dựng vùng nguyên liệu an toàn. Ảnh: Hồng Thoan

Tạo cơ chế xây dựng các chuỗi giá trị

Ngày 19/5/2020, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Kết luận số 809 về Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngày 13/8/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 433 triển khai thực hiện kết luận trên của Tỉnh ủy.

Kế hoạch này nêu ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp gồm: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 đề án về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường hợp tác giữa 6 nhà gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà phân phối; Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao; Tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu; Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực.

Nông dân thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) thành công với chuỗi giá trị cà phê Tin True. Ảnh: Hồng Thoan

Sở Nông nghiệp – PTNT đã ban hành Quyết định số 516 về việc thực hiện Kết luận 809 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 433 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, đơn vị tập trung vào nhiều giải pháp như xác định rõ những khó khăn, vướng mắc giai đoạn trước, rà soát hạ tầng kỹ thuật lựa chọn và hỗ trợ đầu tư. Sở Nông nghiệp – PTNT đặt mục tiêu cụ thể là xây dựng mới từ 5-7 chuỗi liên kết giá trị; Hình thành 50 liên kết trong sản xuất nông nghiệp cho các nhóm nông sản chủ lực.

Nguồn:http: //baodaknong.org.vn/kinh-te/xay-dung-chuoi-gia-tri-cho-nong-san-dak-nong-89408.html