Krông Nô hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP

Krông Nô là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nên huyện có sự phong phú và đa dạng về sản phẩm nông nghiệp.

Krông Nô là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nên huyện có sự phong phú và đa dạng về sản phẩm nông nghiệp.

Tuy vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện vẫn chưa được đánh giá, định danh, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, khi triển khai chương trình OCOP, huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi.

Cà phê của HTX Công Bằng Thanh Thái đang từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường

Các chủ thể tham gia OCOP là các HTX, THT, hộ gia đình còn nhiều hạn chế về quy mô, trình độ sản xuất. Khâu quản lý, thị trường, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc… chưa được người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư đúng mức.

Giai đoạn 2018 – 2020, Krông Nô có 15 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Huyện đã hỗ trợ các chủ thể trên 500 triệu đồng để tập trung đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa (lúa gạo Krông Nô, bơ núi lửa Krông Nô), hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc.

Nhóm sản phẩm lúa gạo có 2 chủ thể tham gia Chương trình OCOP gồm HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh và HTX Nông nghiệp Buôn Choáh. Huyện Krông Nô đã hỗ trợ các đơn vị này tập trung đầu tư xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm lúa gạo.

Huyện đã phát triển, mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay 100% diện tích (trên 590 ha) lúa ở xã Buôn Choáh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện tiếp tục ứng dụng các giống lúa mới (ST25) chất lượng cao vào sản xuất.

Đến nay, huyện đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể lúa gạo Krông Nô và hỗ trợ đơn vị sản xuất lúa gạo dán tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn hiệu. Huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, hoàn thiện hồ sơ công nhận “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao xã Buôn Choáh”…

Nhóm sản phẩm cà phê có 2 chủ thể tham gia OCOP là HTX Công Bằng Thanh Thái và HTX Tin True Coffee. Huyện phối hợp cùng Sở Công thương, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông… tiến hành hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ.

Chứng nhận OCOP giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường thuận lợi

Vừa qua, sản phẩm gạo ST24 Krông Nô do HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Còn sản phẩm gạo ST24 của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Sản phẩm lúa gạo của huyện Krông Nô đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… với giá bán 29.000 đồng/kg.

Huyện hỗ trợ các đơn vị này dây chuyền chế biến (hệ thống chế biến cà phê ướt; máy tách, phân loại sản phẩm) để phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, đã có 4 sản phẩm cà phê của 2 đơn vị này được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP.

Sản phẩm bơ hiện có HTX Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô tham gia Chương trình OCOP và được huyện hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX được huyện hỗ trợ ghép cải tạo thay thế giống bơ chất lượng cao; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bơ núi lửa Krông Nô; tem truy xuất nguồn gốc…

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô cho biết, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, qua đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phát triển.