Nông dân phấn khởi thu hoạch vụ đông xuân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Krông Nô đang bước vào thu hoạch vụ đông xuân. Hầu hết các loại cây trồng đều đạt năng suất cao, giá bán ổn định, mang lại nhiều lợi nhuận cho bà con.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Krông Nô gieo trồng được 4.541 ha cây trồng các loại, đạt 101% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa 2.049 ha; ngô 1.296; khoai lang 678 ha, bí đỏ 223 ha…

Đến nay, người dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 400 ha lúa, 970 ha ngô. Các loại cây trồng khác như đậu, khoai lang, bí đỏ… bà con cũng chuẩn bị bước vào thu hoạch.

Người dân xã Nâm N’đir (Krông Nô) thu hoạch lúa đông xuân

Vụ mùa thắng lợi

Dù chưa vào thu hoạch chính vụ, nhưng tại các khu dân cư, bà con đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, sân phơi, sẵn sàng đưa sản phẩm từ ruộng đồng về nhà. Ông Nguyễn Văn Tùng, ở thôn Nam Thanh, xã Nam Đà (Krông Nô) cho biết, vụ đông xuân này, gia đình ông sản xuất 5 sào lúa. Gia đình tập trung làm lúa thương phẩm, mỗi năm trừ chi phí cũng có lãi trên 10 triệu đồng. Vụ đông xuân năm nay, gia đình đã khắc phục khó khăn, triển khai các biện pháp kỹ thuật giúp cây trồng phát triển tốt. “Năng suất lúa vẫn bảo đảm như mọi năm, gia đình chuẩn bị thu hoạch”, ông Tùng chia sẻ.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thông, ở xã Nâm N’đir cũng gieo sạ hơn 4 sào lúa đông xuân. Do sử dụng giống lúa mới, gieo sạ đúng lịch thời vụ và cải tiến biện pháp canh tác nên năng suất, chất lượng lúa được cải thiện hơn mọi năm.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, do tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi, các biện pháp chăm sóc khoa học, phù hợp nên cây lúa phát triển ổn định. Vì vậy, năng suất lúa trên địa bàn đạt tương đối cao, khoảng 7,3 tấn/ha.

Hiện nay, bà con nông dân đã thu hoạch được hơn 70% diện tích ngô. Vụ đông xuân này, người dân địa phương vẫn chủ yếu sử dụng các giống ngô như: NK 66, NK 67, C919… Một số diện tích bà con sử dụng các giống ngô biến đổi gen kháng sâu keo mùa thu như: DK 9955S, DK8639S, NK 4300 Bt/Gt… Các diện tích ngô này cho năng suất, chất lượng khá cao.

Cũng như các hộ trồng ngô ở Nam Đà, Nâm N’đir, trên cánh đồng xã Đức Xuyên, bà con nông dân đã thu hoạch được trên 50% diện tích ngô đông xuân. Hầu hết bà con đều phấn khởi vì năng suất ngô năm nay đạt khá cao, bình quân tầm 7,6 tấn/ha, có nơi lên 9 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Sử, ở thôn Xuyên Tân cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông trồng hơn 1 ha ngô. Cây ngô vụ đông xuân đã trở thành nguồn thu nhập chính hàng năm của gia đình. Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng suất, chất lượng ngô thương phẩm, ông còn liên kết sản xuất, nắm bắt thị trường để sản xuất đạt hiệu quả cao.

Cũng theo ông Sử, sản phẩm ngô hạt của bà con thu hoạch xong đều được các thương lái đến thu mua. Giá ngô hạt trong những ngày qua dao động từ 4.500 – 5.500 đồng/kg. “Với giá bán này, bà con trồng ngô bảo đảm có lãi”, ông Sử chia sẻ.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, để chủ động phòng chống khô hạn, nâng cao hiệu quả sản xuất, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi 188 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ cây ngô sang cây trồng khác là 120 ha; từ cây ngắn ngày sang lúa nước là 58 ha; từ lúa nước sang cây trồng khác là 10 ha.

Việc người dân chủ động chuyển đổi cây trồng đã giúp sản xuất nông nghiệp của huyện tiết kiệm được nguồn nước tưới, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, phát triển những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân còn ứng dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh hại; cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch… Nhiều bà con cũng triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất ngô lai giống F1, nhân rộng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này đã đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm.