Thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được cải thiện

Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và đang từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Cộng đồng gắn kết

Cuối năm 2016, Nhà văn hóa thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con trong thôn. Nhà văn hóa có diện tích hơn 150m2, cùng các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đều do người dân đóng góp với trị giá hơn 200 triệu đồng. Từ khi có nhà văn hóa, phong trào văn nghệ, thể thao trong thôn sôi nổi hẳn lên, với nhiều hoạt động gắn với đời sống hàng ngày của bà con.

Anh Lê Trần Anh Khoa ở thôn 1 cho biết: “Trước đây, thôn rất muốn tổ chức các giải thể thao, các hoạt động giao lưu văn nghệ nhưng không có chỗ. Giờ đây, nhà văn hóa thôn được xây mới rộng rãi, khang trang, tạo điều kiện cho bà con có nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao… Qua đó, cộng đồng dân cư thêm phần gắn kết, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Nhà văn hóa thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) là nơi diễn ra hội họp, truyền dạy nghề cho bà con

Tương tự, Nhà văn hóa thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) được xây dựng với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Trong đó, ngoài phần đất 300m2 do ông Đoàn Văn Tuấn hiến tặng và UBND huyện hỗ trợ 10 triệu đồng thì số kinh phí còn lại đều do người dân trong thôn tự nguyện đóng góp. Sau khi có nhà văn hóa thôn, mỗi lần thôn có việc quan trọng như hội họp, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật đều hết sức thuận tiện. Mỗi buổi chiều, sau một ngày làm việc vất vả, thanh thiếu niên đến chơi thể thao khiến không khí thôn vui vẻ, nhộn nhịp hẳn lên.

Ông Đoàn Văn Tuấn chia sẻ: “Trước đây, thôn đã tổ chức vận động người dân đóng góp tiền của xây dựng hội trường thôn, nhưng có lẽ do chưa có đất, nên còn gặp khó khăn trong việc kêu gọi. Vì vậy, vợ chồng tôi đã bàn với nhau là tự nguyện hiến đất trước, có đất rồi thì việc xây hội trường khả quan hơn. Bây giờ, hội trường thôn được xây dựng và là nơi hội họp khi có việc quan trọng, nên bà con vui lắm”.

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt

Theo Sở VH-TT-DL, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân, nhất là nhà văn hóa cộng đồng. Bởi lẽ, đây không chỉ là nơi tổ chức hội họp, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là nơi tụ họp của người dân khi địa phương diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao. Đồng thời, các đoàn thể có địa điểm để tổ chức hội họp, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách làm kinh tế… cho bà con địa phương.

Thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn và huy động người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng. Thực tế cho thấy, sau khi các công trình thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được xây dựng, đi vào hoạt động, các địa phương khai thác có hiệu quả công năng, thu hút ngày càng nhiều giới trẻ vào sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tạo môi trường văn hóa, văn minh, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5/8 huyện, thành phố đã đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa; 8/8 huyện, thành phố có thư viện; 6/8 huyện, thành phố có sân khấu ngoài trời; 42/71 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao cấp xã; 537/786 nhà văn hóa – khu thể thao thôn, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân địa phương.

Nhờ đó, chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở có sự phát triển vượt bậc, nội dung và hình thức tổ chức thường xuyên được đổi mới, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của các địa phương và việc rèn luyện, nâng cao thể chất, tinh thần của Nhân dân.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/van-hoa/thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-duoc-cai-thien-90026.html