Thay đổi cách nhìn về kinh tế tập thể

Những năm qua, các lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng. Phần lớn các đơn vị KTTT đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.

Nhận thức mới về KTTT

Ngày 18/3/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (gọi tắt là NQ13). Sau 20 năm triển khai thực hiện NQ13, khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định được vị trí.

Trước hết, từ khi NQ13 được ban hành, các chính sách khuyến khích phát triển KTTT của Trung ương, của tỉnh đã trở nên thiết thực hơn. Nhờ đó, các HTX, tổ hợp tác thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia.

Ước tính, đến cuối năm 2021, Đắk Nông có 230 tổ hợp tác, 230 HTX, tăng 30 tổ hợp tác và 178 HTX so với năm 2004. KTTT của tỉnh, trong đó nòng cốt là các HTX, thực sự đã chuyển biến theo hướng vững chắc, phát triển đa dạng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên.

Các sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Hầu hết các HTX được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực hoạt động. HTX thành lập mới đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người lao động.

Các HTX đều thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ trong quản lý, điều hành nguồn vốn. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX có phương án cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện NQ13. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị để phát triển KTTT.

Tỉnh có nhiều giải pháp làm thay đổi nhận thức, cách nhìn của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về vai trò, vị trí và bản chất KTTT, mô hình HTX kiểu mới.

Các tầng lớp Nhân dân cũng ngày càng thấy rõ hiệu quả, lợi ích khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các đơn vị kinh tế hợp tác. Từ đó, nhiều người dân đã tích cực tham gia vào các mô hình KTTT.

HTX tập hợp nông dân tham gia KTTT ngày càng nhiều

Những chính sách phát triển KTTT của tỉnh được ban hành sau Nghị quyết như: tiếp cận vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực… Điều này đã tháo gỡ một số rào cản, tạo môi trường, hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các cơ sở KTTT.

Đưa KTTT phát triển bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT vẫn chưa thoát khỏi một số hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp và một số cán bộ, đảng viên chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí của KTTT.

Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa xác định được ý nghĩa về mặt xã hội mà KTTT mang lại cho cộng đồng. Trong xã hội vẫn còn cách nhìn một chiều về doanh thu, lợi nhuận, mức độ đóng thuế cho Nhà nước của khu vực KTTT.

Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức chưa thực sự có quyết tâm cao và chưa đề ra những giải pháp mang tính đột phá để chỉ đạo, điều hành phát triển KTTT ở địa phương, đơn vị mình.

Hiện nay, quy mô KTTT của tỉnh chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn bình quân chung cả nước. Đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2021 chỉ chiếm khoảng 0,02% GRDP của tỉnh.

Nhiều HTX có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, chưa thực hiện được nhiều trong việc cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho các thành viên. Khâu tiêu thụ sản phẩm của HTX còn khó khăn, chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập.

  Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những hạn chế trong phát triển KTTT. Trước hết, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác, 360 HTX, với trên 21.200 thành viên. Số HTX hoạt động tốt, khá chiếm từ 45% trở lên, trung bình chiếm từ 40%, giảm tỷ lệ yếu kém xuống dưới 15%.

Tỉnh phấn đấu trên 150 HTX, 180 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Trong sản xuất, tỉnh thúc đẩy tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX.

 

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo KTTT tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hành động để đưa KTTT phát triển bền vững, trở thành thành phần kinh tế quan trọng.

Tỉnh sẽ nâng cao trình độ quản lý HTX; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những HTX ngừng hoạt động hoặc chưa chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, sẽ được tỉnh tập trung xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về phát triển KTTT. Trên địa bàn tỉnh cần tăng cường phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và có sự phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT.

Tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT và thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương để phát triển KTTT tốt hơn.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/hop-tac-xa/thay-doi-cach-nhin-ve-kinh-te-tap-the-90073.html