Làm hết sức mình, bằng sự yêu thương, sẻ chia, trách nhiệm

Thời gian qua, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động, xem đây là cách học và làm theo Bác thiết thực, phù hợp nhất.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho các gia đình khó khăn được hưởng lợi

Nâng cao chất lượng hoạt động nhân đạo

Theo Hội CTĐ tỉnh, cán bộ, nhân viên CTĐ trong tỉnh luôn xác định, học Bác phải xuất phát từ chính những công việc chuyên môn hàng ngày. Do đó, mỗi phong trào, cuộc vận động, các cấp hội đều nỗ lực đổi mới cách làm, cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế của cơ quan, địa phương.

Đội ngũ những người làm công tác CTĐ đều nhắc nhở, động viên nhau, khi làm bất cứ hoạt động nào dù nhỏ cũng đều làm hết sức mình, bằng sự yêu thương, sẻ chia, trách nhiệm đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Vì vậy, qua mỗi năm, phong trào, hoạt động nhân đạo đều được nâng cao về chất lượng, thu hút ngày càng nhiều tình nguyện viên, hội viên và người dân tham gia.

Đơn cử, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, 5 năm qua đã vận động, trao tặng 252.416 suất quà cho hộ nghèo, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… trị giá trên 89,1 tỷ đồng. Một số đơn vị còn có những hoạt động hưởng ứng thiết thực, với việc hỗ trợ quần áo, chăn màn, nhà tình thương, giếng khoan, tủ sách, phòng học, vật nuôi, xe lăn, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, khám, cấp thuốc cho những người khó khăn. Với sức lan tỏa sâu rộng, hàng năm, phong trào đều thực hiện đạt, vượt từ 160% đến trên 450% so với chỉ tiêu.

Trong “Tháng Nhân đạo” hàng năm, dựa vào tình hình thực tế, các cấp hội xây dựng những cách làm khác nhau như tặng quà, suất ăn miễn phí, vận động nguồn lực xây dựng các công trình nhân đạo, tổ chức “chợ nhân đạo”… nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 13 phiên “chợ nhân đạo”, phát 2.348 phiếu nhận hàng, tặng 22.995 suất quà, 28 xe đạp, xây 44 căn nhà tình thương, 2 giếng khoan, 6 máy lọc nước, 426 bình đựng nước, 25 bình giữ nhiệt, 1.180 chai nước sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang, 6 cầu dân sinh, hỗ trợ mai táng, khó khăn cho 244 đối tượng… với tổng trị giá gần 9,4 tỷ đồng. Riêng năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội CTĐ các cấp đã thống nhất tổ chức phiên “chợ nhân đạo” lưu động nhằm kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người nghèo.

Không chỉ bó hẹp trong tỉnh, các cấp hội còn vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm, người dân trong tỉnh chung tay hỗ trợ TP. HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tính đến ngày 10/9, Hội CTĐ các cấp đã kêu gọi, huy động ủng hộ được trên 6.790 tấn rau, củ quả các loại, 74 tấn gạo, 558 thùng mì tôm, 50 kính chống giọt bắn, 10.000 bịch mật ong với tổng trị giá trên 42,5 tỷ đồng và trên 123 triệu đồng tiền mặt, gửi tặng đồng bào vùng dịch phía Nam.

Với phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN), các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, người dân tham gia hiến máu cứu người. Đến nay, toàn tỉnh duy trì, phát triển 14 CLB “Hiến máu dự bị” với 1.090 tình nguyện viên; 87 CLB “Vận động HMTN” với 2.330 tình nguyện viên; 5 CLB “Gia đình hiến máu” với 120 tình nguyện viên; 3 CLB “Ngân hàng máu sống” với 180 tình nguyện viên.

Bằng những cách thức huy động đa dạng, toàn tỉnh đã vận động được 40.625 tình nguyện viên tham gia hiến máu; tiếp nhận 35.407 đơn vị máu đã quy đổi trị giá 4,95 tỷ đồng. Tỉnh đã có 41 tập thể, 121 cá nhân, 25 gia đình được tôn vinh và được các cấp, ngành khen thưởng về HMTN; 3 tình nguyện viên được tham gia Hội nghị tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Hội CTĐ tổ chức.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao chìa khóa nhà cho các gia đình khó khăn được hưởng lợi

“Điểm tựa” của các đối tượng yếu thế

Theo bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, mỗi phong trào, cuộc vận động đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch một phần là nhờ vào sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ hội. Qua mỗi năm triển khai, các cấp hội đều thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm để phát huy và khắc phục những khuyết điểm để thay đổi cho hiệu quả hơn.

Điển hình, trong hoạt động xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo, Hội đều trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra, đôn đốc và sẽ không bàn giao nếu việc hỗ trợ không đúng người, đúng đối tượng hay sử dụng tiền không đúng mục đích. Nhờ đó, đến nay, hầu hết việc làm nhà ở đều được bình xét rõ ràng, công khai, đúng đối tượng và bàn giao đúng tiến độ yêu cầu, được các nhà hảo tâm tin tưởng, người dân đồng thuận cao.

Để tổ chức bất cứ chương trình nào, Hội đều xây dựng kế hoạch, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo. Vì vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội triển khai luôn đạt kết quả cao, góp phần đáng kể vào công tác chăm lo cho đối tượng yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. 

Trên tinh thần đó, Hội CTĐ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để luôn xứng đáng là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, kết nối những tấm lòng nhân ái, thực sự là “điểm tựa” của các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Mỗi cán bộ hội xem việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua chính là cách để phát huy vai trò, trách nhiệm của người làm công tác nhân đạo, góp phần nhiều hơn vào công tác an sinh xã hội ở địa phương.