Đắk Nông: Đồng bào Công giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Giáo dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Những ngày này, đến xã Đức Minh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bước trên những con đường bê tông phẳng lì, nơi nơi rộn ràng không khí Giáng sinh. Đức Minh sau nhiều năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt giao thông nông thôn đã thay đổi rõ nét. Có được những thành công trên là nhờ sự chung sức, chung lòng của bà con giáo dân Giáo xứ Vinh An nơi đây.

Đắk nông: Đồng bào công giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Nguyễn Văn Thương (ngụ thôn Xuân Trang, xã Đắk Minh) chia sẻ: “Người dân ở đây 100% đồng bào Công giáo, khi có chủ trương xây dựng nông thông mới, người dân đồng tình ủng hộ, vì ai cũng thấu hiểu được những khó khăn khi phải đi lại đường đất lầy lội trong mấy chục năm qua. Không ai bảo ai, nhà nhà, người người hiến đất, góp công cùng Nhà nước làm đường. Có những đường bê tông người dân đóng góp 30%, nhà nước 70%, có những con đường người dân hiến đất, đóng góp 100% tiền của để xây dựng, dù ở mức nào người dân cũng đồng tình ủng hộ”.

Cũng theo ông Thương, trong những giờ Lễ ở Nhà thờ, Linh mục luôn nhắc nhở, động viên giáo dân cùng chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đồng bào giáo dân đã phát huy được tinh thần tự nguyện, đồng thuận rất cao. Trước đây, đường đất 3m, nhỏ hẹp, lầy lội, người dân đã hiến đất, đóng tiền mở rộng ra 6m, đổ bê tông sạch đẹp, đi lại thuận lợi, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Đắk nông: Đồng bào công giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Sau nhiều năm chính quyền địa phương cùng giáo dân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt giao thông nông thôn đã “thay da đổi thịt”. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Nguyễn Thành Phương, thôn trưởng thôn Xuân Trang cho biết: “Hiện nay, các đường liên thôn trên địa bàn 100% là đường bê tông, nhựa hóa. Có được thành công trên là nhờ sự đồng thuận của bà con giáo dân. Đối với những vị trí đường nào cong cua, khuất tầm nhìn, bà con hiến đất, dời cổng để nắn lại cho thẳng, nhưng không đòi bồi thường. Trong đó, có 4 tuyến đường bà con giáo dân bỏ tiền túi 100% để thi công, làm đẹp ngõ xóm.

“Có những tuyến đường ít hộ dân sinh sống, chi phí thi công tốn kém, Ban hành giáo họ Xuân Trang (Giáo xứ Vinh An-PV), tổ chức đi tuyên truyền, vận động giáo dân ở những tuyến đường đông hơn ủng hộ, đóng góp người 2 triệu, 3 triệu đồng để góp thêm kinh phí vào để làm đường. Tuy tốn kém chút nhưng người dân hiểu được, đường làm nên khang trang, sạch đẹp là chính người dân hưởng lợi nên ai cũng vui vẻ đóng góp”, ông Phương chia sẻ.

Phát huy tinh thần sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực xây dựng NTM

Ông Tạ Thanh Quyền, Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo vào cuộc tích cực, người dân hiểu được chính người dân là người trực tiếp hưởng lợi. Ngoài ra, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đắk nông: Đồng bào công giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Tuyến đường bê tông đồng bào Công giáo đóng góp 100%, để xây dựng. Ảnh: Ngọc Hùng

Trước đây, toàn bộ là đường đất, lầy lội đi lại khó khăn, nay nhờ sự chung sức chung lòng của người dân đã làm nên những con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện đi lại. Từ đó, bộ mặt giao thông nông thôn của xã thay đổi rõ rệt, người dân đi lại thuận tiện hơn, đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng lên.

“Chính quyền địa phương vận động qua rất nhiều kênh, trong đó có nhờ Cha xứ, từ đó đồng bào giáo dân có sự đồng thuận cao, tự giác dỡ bỏ cổng nhà, hàng rào, hiến đất, góp tiền, góp ngày công để làm đường đồng hành với Nhà nước”, ông Quyền chia sẻ

Ông Nguyễn Nam Nhật, Phó ban phụ trách Ban tôn giáo tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 160.420 tín đồ; 70 chức sắc; 77 cơ sở tôn giáo. Nhìn chung, trong thời gian qua tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, các tổ chức tôn giáo chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đắk nông: Đồng bào công giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đóng góp khoảng 28 tỷ 864 triệu đồng tiền mặt và hàng ngàn ngày công cùng với chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Hùng

Hiện toàn tỉnh có 29/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Công giáo, cụ thể: người Công giáo tỉnh Đắk Nông đã đóng góp khoảng 28 tỷ 864 triệu đồng tiền mặt và hàng ngàn ngày công cùng với chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn.

Điển hình như: giáo dân giáo xứ Vinh An (Đức Minh, Đắk Mil) đã đóng góp 7 tỷ đồng; giáo dân giáo xứ Phúc Thành (Cư Jút) đóng góp hơn hơn 4 tỷ đồng, giáo dân giáo họ Hương Sơn, Nghi Lập (Đắk Song) cùng với nhà nước làm được 6 km đường Bê tông và lắp hệ thống chiếu sáng cho 7 km đường nội thôn; giáo dân giáo xứ Quảng Phúc (Đắk Glong) đã hiến đất và đóng góp 500 triệu đồng làm 1km đường qua nhà thờ giáo xứ Quảng Phúc và đóng góp 1,8 tỷ đồng làm đường nông thôn; giáo dân giáo xứ Phúc Bình (Cư Jút) cùng với chính quyền địa phương làm 3.000m đường bê tông liên thôn.

“Thời gian qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, tình hình hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tuân thủ theo quy định của pháp luật, quy định của Giáo hội; chức sắc, tín đồ thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nông thôn mới.

Nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới và đã được nhà nước công nhận gồm: các xã Đức Minh, Đắk Sắk (huyện Đăk Mil), xã Nam Đà (huyện Krông Nô)”, ông Nhật nhấn mạnh

Theo ông Nhật, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa liên tục và sâu rộng, nhận thức, sự vào cuộc, đóng góp của người dân trên địa bàn một số xã chưa nhiều. Việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do ngân sách đầu tư của nhà nước chưa đáp ứng được so với nhu cầu, trong khi đó vốn huy động trong nhân dân gặp khó khăn.

Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có sự đóng góp tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, trong đó có chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo để hoàn thành được các tiêu chí của chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2021.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn